Vợ chồng tôi có con nhỏ nên muốn thuê giúp việc gia đình qua trung tâm môi giới. Khi làm việc với Trung tâm, chúng tôi được yêu cầu ký hợp đồng lao động trực tiếp với người giúp việc và trả phí môi giới cho trung tâm qua hợp đồng riêng. Đối với hợp đồng lao động ký với người giúp việc, mẫu hợp đồng bên trung tâm đưa cho tôi có những điều khoản quy định người sử dụng lao động phải trả một khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế riêng, ngoài khoản tiền lương 7 triệu/tháng. Ngoài ra, chúng tôi còn phải chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu người giúp việc bị ốm, chi phí tàu xe khi người giúp việc về quê. Tôi cảm thấy những chi phí này không hợp lý không đồng ý. Vậy xin hỏi Quý Công ty: Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về vấn đề này? Tôi xin cảm ơn

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Các quy định đối với lao động là người giúp việc gia đình được cụ thể hóa tại mục 5 Bộ luật lao động năm 2019. Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.

Từ Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động đối với người lao động là giúp việc gia đình phải được lập thành văn bản, trong đó, hai bên sẽ thỏa thuận về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc, chỗ ở,... và các vấn đề khác trong hợp đồng.

* Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:
Theo Khoản 2 Điều 163 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ : “ Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.”    

Như vậy, điều khoản trong hợp đồng mẫu mà trung tâm môi giới đưa cho bạn yêu cầu bên bạn phải trả một khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngoài khoản tiền lương 7 triệu cho người giúp việc là đúng quy định của pháp luật.

* Về việc chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu người giúp việc bị ốm

Trước đây, Nghị định 27/2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị ốm, bị bệnh như sau:
1. Trường hợp người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động bị ốm, bị bệnh, người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, khám, chữa bệnh. Chi phí khám, chữa bệnh do người lao động chi trả, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

2. Người sử dụng lao động không phải trả lương cho những ngày người lao động phải nghỉ việc do bị ốm, bị bệnh.”

Tuy nhiên, đến Bộ luật Lao động 2019 và sau đó là Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì không còn quy định về việc chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người giúp việc nữa. Chi phí này cũng không nằm trong những quy định bắt buộc đối với người sử dụng lao động, do đó, việc chi trả chi phí này hay không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Nếu bạn không đồng ý, bạn có thể thỏa thuận với người giúp việc về việc không chi trả chi phí khám chữa bệnh và để người giúp việc tự túc.

* Về việc chi trả chi phí tàu xe khi người giúp việc về quê:

Đây là một trong những nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình quy định tại khoản 6 Điều 163 Bộ luật lao động 2019:

“6. Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.”

Như vậy, việc yêu cầu chi trả chi phí tàu xe khi người giúp việc về quê được coi là nghĩa vụ của người sử dụng lao động, tuy nhiên, luật quy định trường hợp phải trả tiền tàu xe khi người giúp việc thôi việc để về nơi cư trú, nếu trường hợp người giúp việc về quê chơi, nghỉ dưỡng, hoặc vì lý do khác thì việc trả tiền tàu xe là do thỏa thuận của các bên chứ không phải nghĩa vụ của bên của sử dụng lao động.

* Về tiền lương của người lao động:
Hai bên có thể thỏa thuận về tiền lương, thưởng và thời điểm trả lương. Tuy nhiên, mức lương theo công việc bao gồm cả chi phí tiền ăn, ở của người lao động tại gia đình không được thấp hơn mức lương  tối thiểu vùng do Chính Phủ quy định. 

Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 theo quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không quá 50% mức lương theo công việc ghi trong hợp đồng lao động.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer