Khi dịch bệnh Covid 19 trong nước dần lắng xuống, các doanh nghiệp bắt đầu trở lại với guồng quay để vực dậy công việc sản xuất kinh doanh vốn đã bị đình trệ lâu do dịch bệnh. Tuy nhiên, bởi nguồn lao động không ổn định, sau dịch nhiều người lao động rời bỏ công việc trên thành phố để về quê vì vậy rất nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh thiếu hụt lao động, buộc phải điều chuyển lao động từ vị trí này sang vị trí khác để cân bằng lại hoạt động sản xuất. Theo quy định của pháp luật, việc điều chuyển người lao động làm công việc khác so với thỏa  thuận ban đầu trong hợp đồng lao động cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, người sử dụng lao động nên lưu ý để tránh sai sót hoặc tranh chấp sau này.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

1. Các trường hợp doanh nghiệp được điều chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng lao động

Doanh nghiệp đáp ứng một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 29 BLLĐ năm 2019 như sau:

- Gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm;

- Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Sự cố điện, nước;

- Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh (Nhưng phải được quy định cụ thể trong nội quy lao động).

2. Thời gian điều chuyển người lao động làm công việc khác:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 BLLĐ năm 2019 thì người sử dụng lao động được quyền điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng trong những trường hợp cụ thể nêu trên, tuy nhiên việc điều chuyển chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm.

3. Nghĩa vụ thông báo:

Trước khi điều chuyển người lao động làm công việc khác, người sử dụng lao động cần thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Lưu ý: Nên thông báo bằng văn bản

4. Tiền lương của người lao động khi chuyển sang công việc mới

Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLLĐ năm 2019, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

5. Trường hợp cần có sự chấp thuận của người lao động:

Trong trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm, người sử dụng lao động cần có sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.

6. Trường hợp người lao động không đồng ý chuyển sang làm công việc khác quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer