Em đã làm việc ở công ty hiện tại được 4 tháng, trong đó có 2 tháng thử việc. Mặc dù ban đầu thỏa thuận hết thời gian thử việc sẽ ký hợp đồng chính thức nhưng hết thời gian thử việc, tôi vẫn tiếp tục được giữ lại làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động. Các khoản lương và BHXH của em vẫn được đóng như bình thường vậy thì về mặt pháp luật em có được coi là nhân viên chính thức của công ty không? Các vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ khi nghỉ việc như thế nào?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Về việc hết thời gian thử việc mà công ty không ký hợp đồng lao động nhưng nhân viên vẫn tiếp tục làm việc thì có được coi là nhân viên chính thức không:
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 thì sau khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
- Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
- Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Như vậy, sau khi hết thời gian thử việc, công ty bắt buộc phải đưa ra một trong 2 quyết định: chấm dứt hợp đồng thử việc hoặc ký hợp đồng lao động. Pháp luật hiện nay không có quy định rõ ràng về việc người lao động làm việc mà không ký hợp đồng lao động thì có được xem là nhân viên chính thức hay không.
Tuy nhiên, theo Án lệ số 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc thì trong trường hợp kết thúc thời gian thử việc mà người lao động không nhận được thông báo kết quả thử việc cũng như hai bên không ký hợp đồng lao động và không có thỏa thuận khác về việc kéo dài thời hạn thử việc nhưng người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì hai bên được coi là đã xác lập quan hệ lao động.
Mặc dù Án lệ số 20/2018/AL căn cứ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012 đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021 nhưng hiện nay vẫn có thể áp dụng tinh thần của Án lệ số 20/2018/AL do 2 Bộ luật lao động không có khác biệt về quy định này.
Vì vậy đối với trường hợp của bạn, bạn vẫn làm việc sau thời gian thử việc, vẫn được trả lương và đóng BHXH thì trường hợp này bạn được pháp luật xác nhận như nhân viên chính thức và có đầy đủ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của nhân viên chính thức.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số nghĩa vụ sau đây khi nghỉ việc:
- Phải báo trước khi nghỉ việc một khoảng thời gian hợp lý:
+ Nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì phải báo trước ít nhất 45 ngày;
+ Nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thì phải báo trước ít nhất 30 ngày.
+ Nếu làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
+ Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ
- Sẽ phải chịu một số chế tài nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (không báo trước đúng thời hạn nêu trên) bao gồm:
+ Không được hưởng trợ cấp thôi việc.
+ Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
+ Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo (nếu có).