Tôi vừa chấm dứt hợp đồng lao động tại một công ty sau 5 năm làm việc tại đây. Trong thời gian làm việc tôi có tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty. Giờ tôi nghỉ việc thì cho tôi hỏi tôi có thể tiếp tục tham gia và đóng bảo hiểm xã hội được không?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Việc chấm dứt hợp đồng lao động hay nghỉ làm việc tại một công ty, doanh nghiệp là trường hợp xảy ra thường xuyên tại các doanh nghiệp hiện nay. Trong quá trình người lao động còn làm việc tại công ty thì người sử dụng lao động sẽ tiến hành nộp lệ phí bảo hiểm xã hội hàng tháng cho người lao động đó và khi người lao động nghỉ việc thì người sử dụng lao động không còn nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đó nữa.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; lực lượng quân đội...;
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương
Tuy nhiên người lao động vẫn có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội nhưng tham gia với hình thức tự nguyện. Tại Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.”.
Đối với trường hợp của bạn, bạn đã nghỉ việc và muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội với hình thức tự nguyện thì có thể xét theo 2 trường hợp sau:
Trường hợp bạn nghỉ việc để xin việc mới
Trong trường hợp này theo chúng tôi thì bạn nên chọn giải pháp bảo lưu thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội và khi tìm được một công việc với một đơn vị sử dụng lao động mới phù hợp thì bạn có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội theo đơn vị mới như vậy bạn không cần phải tham gia bảo hiểm xã hội với hình thức tự nguyện và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhiều lợi ích cho mình hơn.
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 3, Luật BHXH 2014 quy định về việc bảo lưu thời gian đóng BHXH như sau:
- Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng.
- Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH.
Trường hợp bạn nghỉ việc để chuyển sang làm lao động tự do
Đối với trường hợp này thì bạn sẽ không tham gia vào đơn vị sử dụng lao động nào nên khi bạn muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ tham gia dưới hình thức tự nguyện. Bạn sẽ cần lựa chọn mức đóng và các phương thức đóng sao cho phù hợp với điều kiện của mình. Việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tiếp tục duy trì chế độ hưu trí và chế độ tử tuất cho người lao động. Ngoài ra người lao động còn được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia.
Do bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có các chế độ: Hưu trí và Tử tuất nên trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà bạn có thai thì bạn không được hưởng chế độ thai sản.
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 87, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do người tham gia lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 1, Quyết định 59/2015/QĐ-TTg thì mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng. Do vậy mức đóng BHXH thấp nhất ở thời điểm hiện tại là 154.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ sở năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sẽ tiếp tục được giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Do vậy mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất là 6,556 triệu đồng/tháng.
Hiện nay có tất cả 06 phương thức tham gia mà người tham gia có thể lựa chọn:
1 - Đóng hàng tháng
2 - Đóng 03 tháng một lần
3 - Đóng 06 tháng một lần
4 - Đóng 12 tháng một lần
5 - Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần;
6 - Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.
Thủ tục và hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bước 1: Căn cứ theo Điểm d tiết 1.1 Khoản 1 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người tham gia có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú, các đại lý thu bảo hiểm xã hội, UBND xã phường (nơi tạm trú hoặc thường trú).
Bước 2: Người tham gia cung cấp thông tin và hoàn thiện tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com