Bà nội tôi mất năm 2010, để lại tài sản là mảnh vườn có sổ đỏ mang tên bà (cấp năm 2004). Đến năm 2014, chú út muốn bán thì những người con còn lại phản đối nên xảy ra tranh chấp. Chú đã đưa ra tờ di chúc bà tôi để lại cùng cuốn sổ đỏ đã được sang tên cho vợ chồng chú (cấp năm 2012). Do nghi ngờ là di chúc giả, mọi người đã yêu cầu Tòa án giải quyết. Tôi muốn hỏi nếu Tòa tuyên bố bản di chúc không hợp pháp thì tài sản của bà tôi sẽ được phân chia như thế nào?
Với câu hỏi của bạn, tổ dân sự- công ty luật Sao Việt trả lời như sau:
Do bà của bạn đã mất từ năm 2010 và mảnh vườn là di sản mà bà bạn để lại là bất động sản nên thời hiệu để những người con của bà yêu cầu chia di sản vẫn còn theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015:“Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Năm 2012, vợ chồng chú út bạn đã sang tên mảnh vườn và đến năm 2014, nếu bản di chúc chú út của bạn đưa ra mà bị tòa án tuyên bố là không hợp pháp thì đó là giả mạo di chúc nhằm hưởng toàn bộ di sản, trái với ý chí của người để lại di sản. Do đó, căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 621 BLDS, chú út của bạn không được quyền hưởng di sản là mảnh đất vườn mà bà bạn để lại:
“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
………………
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”
Như vậy, ngoài chú út của bạn không có quyền được hưởng di sản, việc phân chia di sản được thực hiện theo quy định tại
Điều 651 BLDS như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Trình tự thủ tục chia thừa kế được thực hiện theo quy định từ Điều 656 đến Điều 660 BLDS, bao gồm các bước sau:
- Họp mặt những người thừa kế để thoả thuận về cử người phân chia di sản và cách thức phân chia di sản. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.
- Người phân chia di sản phải chia di sản theo đúng thoả thuận của những người thừa kế theo pháp luật và được hưởng thù lao, nếu những người thừa kế có thoả thuận.