Câu hỏi:
Kính chào Luật sư, tôi xin được hỏi vấn đề như sau: Hiện nay tôi và chồng tôi đã có với nhau 02 con chung 1 trai và 01 gái. Tuy nhiên, trong thời gian đi công tác 03 năm tại vùng sâu vùng xa, chồng tôi có quan hệ ngoài luồng với cô gái khác và sinh được 01 con trai hiện nay đã 10 tuổi. Sau khi biết sự việc, tôi đã gặp cô gái đó nói chuyện, cô ấy tuy biết chồng tôi đã gia đình nhưng vì tình cảm mù quáng mà vẫn quyết định sinh con. Cô ấy cũng không yêu cầu chồng tôi phải chu cấp hay cấp dưỡng gì cho hai mẹ con nhưng chỉ xin được lấy họ của chồng tôi để khai sinh cho cháu. Tôi tuy giận nhưng thật sự cũng rất thông cảm cho cho cô ấy nên cũng đồng ý để chồng tôi thi thoảng chu cấp cho mẹ con cô ấy tiền sinh hoạt phí và một số khoản khác để mẹ con cô ấy đỡ vất vả.
Tuy nhiên, tôi đang có một vấn đề băn khoăn đó là trường hợp của con trai cô ấy là con ngoài giá thú của chồng tôi thì sau này cháu có được quyền hưởng thừa kế tài sản của chồng tôi theo quy định của pháp luật hiện hành hay không? Nếu được hưởng thì mức hưởng cụ thể sẽ như thế nào?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho cống ty Luât Sao Việt, chúng tôi xin tư vấn cụ thể như sau:
Hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành không định nghĩa thế nào là con trong giá thú, con ngoài giá thú để tránh phân biệt đối xử giữa trẻ em với nhau. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường, con ngoài giá thú được hiểu là con sinh ra giữa những người không có quan hệ hôn nhân với nhau, giữa những người chưa có vợ/chồng với những người đã có vợ chồng hay giữa những người đã có vợ/chồng nhưng lại sinh con với những người đã có vợ/chồng khác mà không được sự công nhận hôn nhân hợp pháp. Mặc dù quan hệ tình cảm ngoài luồng đó không được pháp luật công nhận nhưng để bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ vô tội sinh ra, pháp luật cũng đã có những quy định nhất định nhằm bảo đảm được lợi ích của trẻ, tạo điều kiện để trẻ được học tập và phát triển như những trẻ em khác.
Theo quy định tại Điều 609 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thừa kế xác đinh: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Cùng với đó, pháp luật cũng bình đẳng hóa quyền được hưởng thừa kế của cá nhân không phân biệt bất cứ ai, cụ thể: Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Như vậy, theo quy định trên, bất cứ một cá nhân nào còn sống, không thuộc trường hợp bị truất thừa kế hoặc tự nguyện từ chối không nhận thừa kế , không thuộc đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ Luật Dân sự 2015 thì đều có quyền được hưởng thừa kế, có thể là thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.
Ngoài ra, trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không phân định quyền thừa kế đối với con chưa thành niên thì người đó vẫn được hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 644 Bộ Luật Dân sự 2015, cụ thể là: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Căn cứ theo các quy định trên, đối chiếu với trường hợp chị hỏi, con ngoài giá thú được quyền hưởng thừa kế như con trong giá thú, không ai có quyền ngăn cản, nghiêm cấm hay cản trở quyền được thừa kế của cháu. Nếu cháu được bố chia tài sản thừa kế trong di chúc thì việc thực hiện chia di sản thừa kế căn cứ vào di chúc của người cha để lại. Trường hợp không có di chúc để lại cho cháu trai thì cháu vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật theo quy định trên, ít nhất bằng 2/3 của suất thừa kế.
Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng gửi mail về cho chúng tôi theo địa chỉ: congtyluatsaoviet@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 6243.
Trân trọng./