Câu hỏi: Vợ chồng tôi có 3 người con trai trong đó người con cả là được vợ chồng tôi nhận nuôi từ một người phụ nữ đơn thân cùng xã. Ngày đó, vợ chồng tôi và mẹ đẻ của con trai cả đã ra uỷ ban xã để làm các thủ tục nhận nuôi theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, do bản tính ham chơi và được nuông chiều từ nhỏ nên khi lớn lên người con nuôi này trở nên nghiện ngập, hư hỏng thậm chí có nhiều lần còn mắng chửi, đánh đập vợ chồng tôi vì không cho nó tiền mua thuốc. Vì quá bất lực và xấu hổ về đứa con ngỗ ngược nên vợ chồng tôi đã tuyên bố từ mặt người con này trước sự chứng kiến của toàn thể anh em họ hàng. Hiện tại người con nuôi này không còn sống cùng vợ chồng tôi. Tôi đang thắc mắc nếu sau này vợ chồng tôi qua đời thì người con nuôi mà vợ chồng tôi đã từ mặt có được hưởng di sản thừa kế hay không? Rất mong được quý Luật sư giải đáp.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
“Từ mặt” là từ ngữ mà người dân thường sử dụng để chỉ mối quan hệ bị xung đột trong gia đình, thông thường xảy ra trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi con cái hư hỏng đến mức cha mẹ không thể quản lý và dạy dỗ thì kết quả sẽ là cha mẹ không muốn nhận con cái và muốn cắt đứt quan hệ với con cái (hay còn gọi là “từ mặt”). Tuy nhiên, cần lưu ý đây chỉ là cách gọi thông thường mà chúng ta hay dùng, còn pháp luật không điều chỉnh về hành vi này cũng như không có điều luật nào quy định về việc này.
Hiện nay pháp luật quy định về các căn cứ dẫn đến việc chấm dứt việc nuôi con nuôi tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:
Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
- Vi phạm các hành vi bị cấm như lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi...
Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thì việc chấm dứt mối quan hệ cha mẹ nuôi với con nuôi được xác định dựa trên quyết định của Tòa án. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực.
Như vậy, có thể hiểu căn cứ chấm dứt quan hệ con nuôi được xác định dựa trên Điều 25 Luật Nuôi con nuôi, nhưng để pháp luật công nhận thì cha mẹ nuôi cần gửi yêu cầu đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để Tòa án xem xét và công nhận chấm dứt mối việc nuôi con nuôi.
Do đó, mặc dù vợ chồng bạn đã thông báo với mọi người về việc từ mặt con nuôi thì pháp luật cũng không công nhận hành vi này, trên thực tế mối quan hệ của vợ chồng bạn và con nuôi vẫn đang tồn tại và được pháp luật công nhận. Bởi vậy, trong trường hợp này người con nuôi kia vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế của vợ chồng bạn nếu như thừa kế theo pháp luật. Còn đối với trường hợp thừa kế theo di chúc, khi vợ chồng bạn chưa chấm dứt mối quan hệ nhận nuôi theo quy định pháp luật mà không muốn con nuôi bị từ mặt hưởng di sản thì vợ chồng bạn có thể lập di chúc để truất quyền hưởng di sản thừa kế của con nuôi.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn, nếu còn vấn đề thắc mắc cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com