Nội dung câu hỏi của bạn đọc:
Gia đình bố tôi gồm có bố tôi, bác trai tôi ( bác trai bị chất độc màu da cam, không được minh mẫn) và bác gái tôi (bác gái bị bệnh nặng không có chồng con). Ông bà tôi có cho bác trai và bác gái tôi 1 mảnh đất mà hiện tại bác trai đang ở (cả 2 cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Mấy chục năm nay, bác gái tôi góp nhặt và dùng cả lương chất độc màu da cam của bác trai để xây căn nhà trên miếng đất ấy. Do có mâu thuẫn với anh chị em (nhất là bố mẹ tôi) với việc không còn sống được bao lâu nên bác gái tôi đã nhận 1 người làm con nuôi với mục đích để giữ căn nhà và miếng đất cùng với số tài sản riêng của mình. Tôi có thắc mắc là liệu người con nuôi kia có được quyền hưởng thừa kế nếu bác gái tôi mất không ?
Tổ Dân sự – Công ty Luật TNHH Sao Việt trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Chào bạn, với câu hỏi của bạn công ty Luật TNHH Sao Việt xin giải đáp như sau:
* Vấn đề xác định di sản của bác gái:
Do thửa đất đứng tên bác trai và bác gái nên thửa đất được xác định là tài sản chung của cả hai người; Ngôi nhà trên đất cũng là do bác gái góp nhặt và dùng cả lương của bác trai để xây nên ngôi nhà cũng sẽ được xác định là tài sản chung của cả hai người.
Như vậy, di sản của bác gái bao gồm phần nhà, đất nằm trong khối tài sản chung với bác trai và các tài sản riêng khác của bác gái (nếu có).
* Quyền thừa kế của người con nuôi:
Người con nuôi của bác gái sẽ được hưởng thừa kế di sản của bác gái theo di chúc (nếu bác gái để lại di chúc và di chúc có để lại di sản cho người con nuôi) hoặc hưởng thừa kế theo pháp luật nếu bác gái không để lại di chúc:
Trường hợp 1: Bác gái có để lại di chúc hợp pháp
Nếu bác gái có để lại di chúc hợp pháp để định đoạt phần tài sản của mình thì di sản của bác gái sẽ được định đoạt theo di chúc. Theo đó, nếu trong di chúc bác gái có để lại tài sản cho người con nuôi thì người con nuôi đó được hưởng thừa kế theo di chúc. Trường hợp trong di chúc không để lại di sản cho người con nuôi hoặc có để nhưng ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật thì người con nuôi có thể vẫn được hưởng phần di sản không phụ thuộc vào di chúc nếu người con nuôi đó chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động theo quy định tại Điều 669 BLDS: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
Trường hợp 2: Bác gái không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp
Nếu bác gái không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế của bác gái sẽ được chia theo pháp luật.
Theo đó, người con nuôi hợp pháp sẽ được hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 676, 678 của Bộ luật dân sự năm 2005. Ngoài ra, những người được hưởng thừa kế của bác gái có thể còn có: Bố, mẹ đẻ, hoặc bố mẹ nuôi của bác gái (nếu họ còn sống). Những người này được hưởng phần di sản bằng nhau. Nếu bố, mẹ của bác gái đã mất thì người con nuôi được hưởng toàn bộ di sản của bác gái.