Xin luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này. Hai vợ chồng tôi lấy nhau năm 2018, được mẹ chồng cho một miếng đất ở Quận 7, sau đó chúng tôi xây nhà trên miếng đất đó bằng tiền của mình và đã đứng tên cả 2 vợ chồng trên sổ đỏ. Năm 2021, chồng tôi mất vì tai nạn giao thông không để lại di chúc. Tôi và con trai vẫn tiếp tục sống tại căn nhà chung của 2 vợ chồng. Giữa năm 2022, mẹ chồng tôi mất cũng không có di chúc; bố chồng tôi thì đã mất rất lâu. Tài sản của bà để lại chỉ có căn nhà ở Bình Dương hiện đang do vợ chồng chú Hai quản lý, vì vợ chồng chú sống cùng và chăm sóc bà đến khi bà mất và tôi nghĩ ông bà đã cho vợ chồng mình miếng đất trước đó rồi thì căn nhà ở BD bây giờ là ông bà để cho cô chú nên cũng không yêu cầu chia tài sản gì cả. Nhưng gần đây, cô chú đã bán căn nhà bà để lại và còn đòi tôi trả 1 khoản tiền từ “tài sản là căn nhà chung của tôi và chồng” mà cô chú được hưởng thừa kế 1 phần khi chồng tôi mất. Cô chú cho rằng miếng đất mà bà cho vợ chồng tôi giá trị hơn nhiều miếng đất cô chú có được ở BD, và nghĩ chồng tôi mất để lại miếng đất cho tôi là “hời” nên đòi chia. Tôi không đồng ý thì đòi kiện. Vậy luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này pháp luật quy định việc thừa kế của gia đình tôi và nếu khởi kiện thì khả năng thắng kiện của tôi thế nào? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Trường hợp của bạn có 2 khoản thừa kế đều chia theo pháp luật là của chồng bạn và của mẹ chồng. Do chồng bạn mất trước mẹ chồng nên chúng tôi sẽ phân tích về di sản mà chồng bạn để lại trước. 

Đối với di sản chồng bạn để lại: Căn nhà hiện tại bạn đang ở do mẹ chồng cho đất (đất này là tài sản của mẹ chồng) và dùng tài sản riêng của 2 bạn để xây nhà, tuy nhiên đã đứng tên của 2 vợ chồng nên không cần bàn đến nguồn gốc của tài sản này mà sẽ xác định luôn đây là tài sản chung của 2 vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (½ là tài sản của bạn, ½ là di sản chồng bạn để lại). Khi chồng bạn mất không để lại di chúc thì di sản chồng bạn để lại sẽ được chia theo  pháp luật.

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thứ tự những người thừa kế theo pháp luật như sau: 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Theo quy định nêu trên, trong trường của bạn, ½ căn nhà là di sản của người chồng đã mất sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, cụ thể được chia đều cho bạn, con trai và mẹ chồng bạn (vì mẹ chồng còn sống vào thời điểm chồng bạn mất).Tức là, mẹ chồng bạn được hưởng phần di sản tương ứng ⅙ giá trị căn nhà.

Khi mẹ chồng bạn mất vào giữa năm 2022, ⅙ giá trị căn nhà sẽ trở thành di sản thừa kế của mẹ chồng bạn để lại.

Đối với di sản mẹ chồng bạn để lại: Tài sản mẹ chồng bạn để lại sẽ không chỉ là căn nhà ở Bình Dương, mà còn bao gồm ⅙ giá trị căn nhà mà bạn đang sống. Tổng số tài sản này sẽ được chia theo pháp luật khi không có di chúc. Cụ thể, Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết sẽ được hưởng di sản mà mẹ chồng bạn để lại.

Vì chồng bạn đã mất trước mẹ chồng nên theo quy định tại Điều 652  Bộ luật Dân sự 2015  về thừa kế thế vị thì con trai của bạn sẽ được hưởng phần di sản tương ứng phần di sản mà đáng lẽ bố cháu được hưởng nếu còn sống. 

Như vậy, di sản mẹ chồng bạn để lại sẽ được chia thành 2 phần trong đó em chồng và con bạn mỗi người được hưởng 1 phần bằng nhau. Tức con trai bạn được hưởng ½ giá trị căn nhà ở Bình Dương và thêm 1/12 giá trị căn nhà hiện tại bạn đang sống. Em chồng bạn có quyền yêu cầu chia tài sản là căn nhà ở Quận 7 của 2 vợ chồng bạn, tuy nhiên chỉ được hưởng 1/12 giá trị căn nhà đó và phải trả cho con trai bạn ½ giá trị căn nhà đã bán ở Bình Dương.

Trường hợp này nếu khởi kiện thì khả năng bạn giữ được nhà rất cao do căn nhà bạn đang sống là tài sản chung của 2 vợ chồng, do 2 vợ chồng tạo dựng và hiện tại mẹ con bạn vẫn đang sinh sống, khi đó Tòa sẽ phân chia thừa kế dựa trên giá trị các căn nhà để xác định phần mà mỗi bên được hưởng. Tuy nhiên vẫn phải xét thêm giá trị chênh lệch của 2 căn nhà để xác định bạn hay em chồng sẽ phải hoàn trả tiền chênh lệch cho đối phương.

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer