Năm 1960, bà nội tôi mua đất dưới quê xây nhà sau đó lấy người chồng đầu tiên và có với nhau một đứa con gái thì người chồng đó mất. Năm 1967, bà tái hôn với ông nội tôi và có ba tôi. Năm 1985, ông bệnh và qua đời. Năm 1997, dì tôi qua đời. Năm 2010, bà nội tôi làm lại hộ khẩu vì dì mất trước đó nên hộ khẩu chỉ đứng tên bà và ba tôi. Năm 2016, không may ba tôi bị tai nạn qua đời. Hiện tại bà tôi muốn bán nhà thì mẹ tôi có được hưởng phần tài sản nhà đất đấy hay không? Ba tôi có 3 đứa con và dì tôi (con người chồng trước cũng có 3 đứa con). Luật sư cho tôi hỏi, các cháu có được hưởng tài sản khi bà tôi bán nhà hay không? Việc chia cụ thể như thế nào xin luật sư tư vấn dùm. Tôi xin cảm ơn!
Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Trả lời:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Bà nội của bạn có 2 lần kết hôn do vậy ở đây cần xác định được di sản thừa kế là của người chồng đầu tiên hay là di sản thừa kế của người chồng thứ hai. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 thì tài sản của bà nội bạn mặc dù được mua trước khi kết hôn nhưng vẫn được coi là tài sản chung của bà bạn với người chồng trước. Tuy nhiên, khi người chồng trước của bà bạn mất những người trong hàng thừa kế của chồng thứ nhất của bà bạn không phát sinh yêu cầu chia di sản thừa kế nên toàn bộ di sản thừa kế từ người chồng thứ nhất vẫn thuộc quyền của bà bạn và được chuyển ½ quyền tài sản sang người chồng thứ 2 của bà bạn (tức ông nội của bạn).
Do ông nội bạn đã mất năm 1985 và không để lại di chúc nên từ thời điểm này quyền thừa kế đối với tài sản của ông bạn để lại được chia theo pháp luật. Căn cứ theo Công văn 01/GĐ-TANDTC 2018 về việc xác định các trường hợp mở thừa kế trước 1990 thì được tính từ ngày 10/9/1990, đồng thời theo quy định tại khoản 1 điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Như vậy, thời hiệu chia di sản thừa kế đối với tài sản của ông bạn để lại vẫn còn và những người trong hàng thừa kế có quyền yêu cầu phân chia. Nay, bà bạn bán nhà đất thì những người trong hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn có quyền yêu cầu bà bạn chia tiền, hoặc quyền sử dụng đất.
Cha bạn là người nằm trong hàng thừa kế thứ nhất của ông bạn, tuy nhiên cha bạn đã mất từ năm 2016 nên ở đây xuất hiện quyền thừa kế thế vị, cụ thể tại điều 532 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Như vậy, theo căn cứ trên khi bà bạn bán nhà thì mẹ bạn không có quyền hưởng di sản từ ông nội của bạn để lại mà chính những người con của cha bạn mới có quyền hưởng di sản từ ông nội để lại (3 người con của cha bạn).
Việc chia tài sản được tổ chức theo quy định sau: Đất của ông bà bạn (cụ thể mảnh đất bà bạn bán được chia làm 2 trong đó phần quyền của ông nội bạn là ½ quyền sử dụng đất, nhà. Tổng khối di sản của ông nội bạn để lại được chia đều cho tất cả những người trong hàng thừa kế thứ nhất của ông bạn (sau khi đã trừ công sức bảo quản, quản lý tôn tạo di sản thừa kế).
Ví dụ sau đây cho bạn dễ hình dung: Quyền sử dụng đất bà bạn đã bán 500 m2 trong đó 250 m2 là của ông nội bạn, 250 m2 của bà nội bạn. 50 m2 đất sẽ được chia cho người có công quản lý bảo quản, tôn tạo di sản thừa kế của ông bạn từ thời điểm ông bạn chết đến khi chia di sản, 200 m2 còn lại sẽ được chia đều cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896
E-mail: saovietlaw@vnn.vn