Bác tôi có hai người con trai. Vừa qua, bác tôi bị tai biến nên nằm liệt một chỗ, sức khỏe rất yếu. Lợi dụng tình trạng sức khỏe bác tôi không được tốt, anh con trai cả của bác tôi đã soạn sẵn giấy ủy quyền, có nội dung ủy quyền cho anh cả thay bác tôi lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản cho anh ấy, khi được hỏi thì bác tôi cho biết do anh cả cầm tay bác điểm chỉ vào giấy ủy quyền và di chúc chứ bác không tự điểm chỉ. Tôi muốn hỏi Luật sư Giấy ủy quyền này có hợp pháp hay không? Nếu bác tôi lập di chúc và ủy quyền cho bố tôi đi công chứng có được hay không?
Trả lời:
Với câu hỏi của bạn, Luật sư Sao Việt đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Theo quy định pháp luật, giao dịch dân sự là Hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự. Giấy ủy quyền được hiểu là một văn bản pháp lý trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền. Như vậy giấy ủy quyền là một dạng của giao dịch dân sự thể hiện dưới hình thức văn bản làm phát sinh quyền nghĩa vụ dân sự.
Do đó điều kiện có hiệu lực của giấy ủy quyền phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Điểm b Khoản 1, Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
“1.Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
…
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;…”
Như vậy, có thể nhận thấy giấy ủy quyền giữa bác bạn và ông anh cả đã vi phạm điều kiện có hiệu lực theo quy định tại Điều 117, việc xác lập quan hệ không đảm bảo yếu tố tự nguyện của bác bạn, do đó giấy ủy quyền này là vô hiệu.
Về vấn đề lập di chúc và nhờ người khác đi công chứng
Căn cứ Khoản 1 Điều 56 luật công chứng năm 2014 quy định về công chứng di chúc như sau:
“1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.”
Vì di chúc là sự thể hiện nguyện vọng, ý chí định đoạt tài sản của cá nhân cho người khác sau khi họ chết. Do đó pháp luật quy định rất chặt chẽ đối với vấn đề này. Để đảm bảo việc lập di chúc là hoàn toàn tự nguyện, người lập di chúc phải tự mình đi công chứng, trường hợp vì lý do khách quan không thể tới văn phòng công chứng được, người cần công chứng có thể đề nghị công chứng viên thực hiện việc công chứng tại nơi mà người đó lựa chọn.
Theo quy định thì di chúc nếu không công chứng vẫn không đương nhiên bị vô hiệu, nếu di chúc đảm bảo sự tự nguyện, người lập trong tình trạng sức khỏe tốt, có chữ ký của người làm chứng, nội dung không trái pháp luật và đạo đức xã hội, do đó trong trường hợp này bác bạn có thể tư vấn bác bạn lập di chúc mà không cần đi công chứng, hoặc bác bạn có thể mời công chứng viên về nhà để thực hiện việc công chứng, cả hai hình thức trên đều được pháp luật chấp nhận.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896 hoặc E-mail: saovietlaw@vnn.vn.