Năm 2021, anh trai tôi là Nguyễn Văn A và chị Hoàng Thị T đã ly hôn theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án nhân dân quận L, thành phố H. Trên thực tế cũng như trong quyết định ghi nhận hai người có con chung là cháu C (20 tuổi). Anh trai tôi mất năm 2022, không để lại di chúc, cháu C là người duy nhất thuộc hàng thừa thứ nhất của anh vì bố mẹ tôi đều đã mất. Di sản của anh gồm 2 căn nhà, 1 mảnh vườn cùng quyền sử dụng đất, cháu C đã tiến hành khai nhận di sản thừa kế và hợp thức hóa các giấy tờ nhà đất.
Tuy nhiên do đã có nghi ngờ từ lâu rằng C không phải cháu ruột nên anh chị em trong nhà tôi bí mật mang mẫu móng tay, móng chân của cháu C đi xét nghiệm ADN để xác định huyết thống. Kết quả trả về cho thấy tôi và cháu C không cùng huyết thống theo dòng cha, tức C không phải con ruột của anh trai tôi.
Vậy cho tôi hỏi, liệu chúng tôi có thể khởi kiện ra Tòa án để chia lại di sản của anh trai tôi được hay không?
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định hiện hành, khi người để lại di sản mất, di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc. Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho các hàng thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Có thể thấy, Quy định pháp luật về hàng thừa kế được đặt ra dựa trên các mối quan hệ về hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Với trường hợp bạn đề cập, dưới góc độ pháp lý, cháu C đang là con đẻ hợp pháp của anh trai bạn – Nguyễn Văn A, nên việc cháu làm thủ tục nhận khai nhận di sản thừa kế và sang tên quyền sử dụng đất là hoàn toàn đúng pháp luật. Vì theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Về việc xác định cha, mẹ con: quyền nhận/ không nhận cha mẹ con là quyền nhân thân cơ bản không tách rời của mỗi cá nhân, do đó chỉ có bản thân người cha, mẹ con hoặc người được nhận là cha/mẹ/con mới được thực hiện các quyền này. Điều này được cụ thể hóa tại Điều 88 đến Điều 92 Luật Hôn nhân gia đình 2014
+ Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được xác định bởi tòa án.
+ Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.
+ Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết
Trong trường hợp anh Nguyễn Văn A đã mất, thì người thân thích chỉ có quyền yêu cầu Tòa án xác định cháu C có phải con anh A hay không nếu trước đó anh A đã có yêu cầu xác định cháu C không phải là con. Trường hợp trước khi mất, anh A không có yêu cầu xác định cháu C không phải là con thì sau khi anh A mất, gia đình bạn không có quyền yêu cầu Tòa án xác định cháu C không phải là con anh A.
Gia đình bạn nghi ngờ cháu C không phải là con đẻ của anh A, nên đã thu thập mẫu giám định và kết quả cho thấy cháu C không phải là con ruột của anh trai bạn. Tuy nhiên quá trình này không được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng quy định. Hơn nữa, việc lấy mẫu của cháu C để giám định cũng không có sự đồng thuận của cháu.
Kết luận: Dù về mặt sinh học - y học, anh trai bạn không phải là cha ruột của cháu C nhưng dưới góc độ pháp lý, cháu C được sinh ra trong thời kì hôn nhân, được pháp luật xác định là con chung của hai vợ chồng (trong quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án nhân dân L, thành phố H có thể hiện xác nhận việc cháu C là con chung của anh A và chị T). Trong thời gian anh A còn sống cũng không có yêu cầu xác định cháu C không phải là con anh. Nên dù có chứng cứ chứng minh cháu C không phải là con ruột của anh trai bạn thì đó cùng không phải là căn cứ để tước quyền thừa kế của cháu C và chia lại di sản. Quyền thừa kế của cháu C vẫn được giữ nguyên và giữ ngyên phần cập nhật biến động mang tên cháu C trên các giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và nhà ở. Do vậy, trong trường hợp này, dù gia đình bạn khởi kiện ra Tòa thì Tòa án sẽ bác đơn khởi kiện của bạn.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com