Trước đây khi còn sống, bố tôi là giám đốc công ty xây dựng. Thời gian trước, bố tôi đột ngột ra đi vì đột quỵ. Sau khi làm tang lễ cho bố xong, anh em chúng tôi họp lại để chia di sản, khi chưa thống nhất được vấn đề phân chia tài sản thì chủ nợ của công ty đã đến đòi số tiền bố tôi vay để làm ăn lúc trước. Tôi muốn hỏi, theo quy định của pháp luật thì thứ tự thanh toán các khoản chi phí khi chia thừa kế như thế nào và chúng tôi (những người thừa kế) có nghĩa vụ trả số nợ cho bố thì số nợ mỗi người trả sẽ chia theo phần được hưởng thừa kế hay thế nào? Tôi xin cảm ơn.
Trả lời
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về thứ tự thanh toán các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế:
Bản chất của việc thanh toán di sản thừa kế là việc những người thừa kế thực hiện các nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Theo quy định tại Điều 658 BLDS năm 2015 thì nghĩa vụ tài sản của người chết để lại được chia làm 2 loại bao gồm: chi phí mai táng,chi phí quản lý di sản và thực hiện thay nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Tất cả các chi phí này phải gói gọn trong số di sản mà người chết để lại.
Thứ tự thanh toán các khoản chi phí và nghĩa vụ tài sản được quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5. Tiền công lao động.
6. Tiền bồi thường thiệt hại.
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
9. Tiền phạt.
10. Các chi phí khác.”
Như vậy, khoản nợ của bố bạn đối với cá nhân khác sẽ được chi trả sau khi đã trừ hết các chi phí nêu trên. Nếu khối tài sản bố bạn để lại ít hơn chi phí cần phải bỏ ra cho các vệc như mai táng, cấp dưỡng, bảo quản di sản,... đến khi tính các khoản nợ thì tài sản còn lại không còn hoặc không đủ thì những người thừa kế chỉ có nghĩa vụ thanh toán số nợ tương ứng với số di sản còn lại. Nghĩa là bạn và những người thừa kế khác không phải bỏ tài sản riêng của mình ra để trả nợ cho bố bạn.
Thứ hai, về nghĩa vụ trả nợ tương ứng:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 615 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “3. Trường hợp di sản đã được chia, mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, nghĩa vụ trả nợ của bạn đối với khoản vay của bố khi còn sống sẽ được thực hiện tương ứng với phần tài sản mà bạn đã nhận.
Ví dụ: tài sản chia 3 thì nghĩa vụ trả nợ chia đều cho cả 3 người. Số nợ bạn phải trả thay bố là 300 triệu nhưng bạn chỉ được thừa kế ⅓ tài sản là 200 triệu thì bạn chỉ có nghĩa vụ trả 200 triệu đó cho người chủ nợ.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com