Trong quá trình hoạt động, không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh có nhu cầu tạm ngừng hoạt động, kinh doanh vì nhiều lý do như tái cơ cấu, khó khăn tài chính, hay điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến nghĩa vụ thuế khi thực hiện những thay đổi này. Theo Luật Quản lý thuế 2019 và các hướng dẫn mới nhất từ Bộ Tài chính, việc tạm ngừng hoặc hoạt động trở lại trước hạn không chỉ cần tuân thủ đúng trình tự, thủ tục mà còn phải đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định.
Bài viết dưới đây của Luật Sao Việt sẽ giúp bạn hiểu rõ các quy định mới nhất về nghĩa vụ thuế khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, cũng như hướng dẫn chi tiết thủ tục thông báo với cơ quan thuế theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Tài chính. Đây là những thông tin quan trọng mà người nộp thuế cần nắm vững để tránh các rủi ro không đáng có trong quá trình quản lý hoạt động kinh doanh của mình.
1. Nghĩa vụ thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh của người nộp thuế
Người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 37 Luật quản lý thuế năm 2019 hiện hành. Cụ thể:
Trường hợp tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh
Đối với tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh thì sẽ thực hiện tạm ngừng hoạt động, kinh doanh có thời hạn hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi đó, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào thông báo của người nộp thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn.
Trường hợp tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh
Trong khi đó, đối với tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì sẽ phải thực hiện thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo để phục vụ hoạt động quản lý thuế. Thời hạn thông báo chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn. Đặc biệt, căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, trong trường hợp này, người nộp thuế được tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 1 năm đối với 1 lần đăng ký. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức thì tổng thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh là không quá 2 năm đối với 2 lần đăng ký liên tiếp.
2. Nghĩa vụ thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh
Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được thực hiện như sau:
Về hồ sơ khai thuế: Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế. Tuy nhiên, đối với trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
Về sử dụng hóa đơn: Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trong thời gian này. Tuy nhiên, trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì sẽ phải nộp hồ sơ khai thuế và nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.
Thông báo khi hoạt động, kinh trở lại trước thời hạn: Trường hợp người nộp thuế hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn thì phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh và phải thực hiện đầy đủ các quy định về thuế, nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.
Lưu ý:
- Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế không được đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh khi cơ quan thuế đã có Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
- Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định.
3. Hướng dẫn thủ tục thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh với cơ quan thuế theo hướng dẫn mới của Bộ Tài chính
Theo hướng dẫn mới nhất từ Bộ Tài chính tại Quyết định số 155/QĐ-BTC năm 2025, người nộp thuế thuộc trường hợp phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh cần thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thực hiện gửi Thông báo mẫu số 23/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 86/2024/TT-BTC ngày 23/12/2024 của Bộ Tài chính đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (thời hạn nộp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh). Người nộp thuế thực hiện nộp hồ sơ bằng một trong các phương thức dưới đây:
+) Nộp trực tiếp tại trụ sở Cơ quan thuế
+) Gửi qua hệ thống bưu chính
+) Phương thức điện tử: Đối với trường hợp hồ sơ đăng ký thuế điện tử, người nộp thuế thực hiện truy cập vào Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn, gồm: Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh (đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng thông tin của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN) để khai tờ khai và gửi kèm các hồ sơ theo quy định dưới dạng điện tử (nếu có), ký điện tử, và gửi đến cơ quan thuế.
Lưu ý: Trường hợp người nộp thuế lựa chọn và gửi hồ sơ đến cơ quan thuế thông qua giao dịch điện tử thì phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử đồng thời đăng ký và đảm bảo đầy đủ các điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế theo quy định tại Thông tư số 19/2021/TT-BTC và Thông tư số 46/2024/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Nơi tiếp nhận giải quyết hồ sơ: Cục Thuế/Chi cục Thuế (cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế).
Cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý hồ sơ của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký thuế. Thời hạn giải quyết hồ sơ được thực hiện trong vòng 02 ngày làm việc, tính từ ngày cơ quan thuế nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ do người nộp thuế nộp.
Bước 3: Nhận kết quả
Kết quả xử lý thủ tục hành chính sẽ bao gồm: Thông báo chấp thuận hoặc không chấp thuận tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; Thông báo về việc tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo đơn vị chủ quản (nếu có).
Việc tạm ngừng hay tiếp tục hoạt động kinh doanh không chỉ là quyết định nội bộ của doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh, mà còn kéo theo nghĩa vụ pháp lý quan trọng về thuế. Người nộp thuế cần nắm rõ quy định và thực hiện đúng thủ tục thông báo, tránh các rủi ro pháp lý không đáng có. Liên hệ ngay với Luật sư và Chuyên viên của chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ pháp lý, nếu bạn có bất kỳ những vướng mắc nào về thuế.
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com