Từ ngày 1/6/2025, việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền được Nghị định 70/2025/NĐ-CP quy định cụ thể. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành thuế. Giải pháp này không chỉ góp phần hạn chế sai sót khi lập hóa đơn mà còn tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan thuế thuận tiện hơn trong công tác kiểm tra và giám sát. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn đang lúng túng trước câu hỏi: Mình có thuộc diện sử dụng loại hóa đơn này không? Cần triển khai thực hiện như thế nào? Nếu không áp dụng thì có bị xử phạt không? Tham khảo ngay trong bài viết dưới đây của Luật Sao Việt.

Những đối tượng thuộc diện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ 1/6 theo Nghị định mới? Những lưu ý khi triển khai thực hiện

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

1. Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hóa đơn như thế nào?

Tại điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 170/2025/NĐ-CP đã lần đầu đưa ra định nghĩa về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Theo đó, đây là một loại hóa đơn điện tử đặc thù, được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, có mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử để người mua có thể truy xuất, kê khai thông tin; Do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập từ hệ thống tính tiền và dữ liệu sẽ được chuyển đến cơ quan thuế theo định dạng được quy định. Trong đó, máy tính tiền được giải thích là hệ thống tính tiền bao gồm một thiết bị điện tử đồng bộ hoặc một hệ thống gồm nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng giải pháp công nghệ thông tin có chức năng chung như: tính tiền, lưu trữ các giao dịch bán hàng, số liệu bán hàng (điểm d Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 170/2025/NĐ-CP).

2. Những đối tượng nào thuộc diện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền?

Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP, các đối tượng thuộc diện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền bao gồm: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật quản lý thuế 2019 có mức doanh thu hằng năm từ 01 tỷ đồng trở lên, khoản 2 Điều 90, khoản 3 Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019 và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam).

3. Những lưu ý khi triển khai thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có bắt buộc không?

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã. Do đó, đối với đối tượng này, việc sử dụng hóa đơn điện tử được tạo từ máy tính tiền không phải là yêu cầu bắt buộc.

Những nội dung cần phải có trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền 

Người bán có trách nhiệm gửi hoá đơn điện tử cho người mua bằng hình thức điện tử như: tin nhắn, thư điện tử và các hình thức khác…hoặc cung cấp đường dẫn hoặc mã QR để người mua có thể tra cứu và tải hóa đơn điện tử. Trong đó, trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cần phải có những nội dung sau (khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP):

- Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán

- Tên, địa chỉ, mã số thuế/số định danh cá nhân/số điện thoại của người mua theo quy định (nếu người mua yêu cầu)

- Tên hàng hóa, dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ phải ghi rõ nội dung giá bán chưa thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán có thuế giá trị gia tăng

- Thời điểm lập hóa đơn

- Mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử để người mua có thể truy xuất, kê khai thông tin hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Lưu ý đối với hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế

Khi triển khai thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh cần lưu ý thêm một số nội dung sau: hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không bắt buộc có chữ ký số. Đồng thời, những khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền sẽ được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế (khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP).

Nếu còn bất kỳ những vướng mắc nào khác liên quan về hóa đơn và kế toán thuế, vui lòng liên hệ đến Luật sư và Chuyên viên pháp lý của Luật Sao Việt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer