Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp được ngành thuế áp dụng để thu hồi nợ thuế, chống chây ì, nợ thuế. Thời gian gần đây, số trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế quá hạn có chiều hướng tăng lên nhanh chóng. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp thậm chí ra đến sân bay rồi mới biết bị cấm xuất cảnh. Trong bài viết dưới đây, Luật Sao Việt sẽ khái quát các quy định của pháp luật về vấn đề này, đồng thời đề xuất một số lưu ý với cá nhân và doanh nghiệp.
1. Những đối tượng nào sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế?
Căn cứ tại Điều 66 Luật quản lý thuế năm 2019 và Khoản 5 Điều 36 Luật Xuất cảnh, công dân Việt Nam đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế được quy định như sau:
“a) Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
b) Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
c) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
d) Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.”
Như vậy, không phải ai nợ thuế cũng sẽ bị cấm xuất cảnh. Thực chất, quy định này chỉ áp dụng đối với những trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài mà có nguy cơ cao không thu hồi được nợ thuế. Đối với doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh chỉ khi doanh nghiệp đó đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đối với cá nhân, chỉ áp dụng với những đối tượng trên là trường hợp có nguy cơ “trốn” cao khi họ có khả năng sẽ không quay lại Việt Nam hoặc những trường hợp chây ì, kéo dài thời gian không nộp thuế.
Ngoài ra, tại Công văn số 4216/TCT-QLN của Tổng cục thuế có nêu: “Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp bị cưỡng chế: cơ quan thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định.” Theo đó, đối với trường hợp nợ thuế trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp bị cưỡng chế thì cơ quan thuế mới áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có tạm hoãn xuất cảnh.
2. Nợ thuế bao nhiêu thì bị tạm hoãn xuất cảnh? Bị tạm hoãn trong bao lâu?
Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về ngưỡng nợ thuế cụ thể nào thì sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, trường hợp dù chỉ nợ thuế 1 đồng thì những chủ thể theo quy định cũng vẫn bị áp dụng biện pháp này.
Khoản 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó:
“Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì trong vòng 24 giờ làm việc cơ quan quản lý thuế ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh …Trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh 30 ngày mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế gửi văn bản gia hạn tạm hoãn xuất cảnh theo Mẫu số 02/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi người nộp thuế biết.”
Như vậy, thời gian tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ thể nợ thuế theo quy định là 30 ngày và nếu trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh 30 ngày mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế gửi văn bản gia hạn tạm hoãn xuất cảnh. Việc tạm hoãn xuất cảnh được hủy bỏ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và sẽ được cơ quan quản lý thuế ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh trong vòng 24h làm việc để gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
3. Làm sao để biết có đang bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế hay không?
3.1 Từ thông báo của cơ quan có thẩm quyền
Theo trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại Khoản 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, sau khi cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế lập danh sách những đối tượng thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh thì sẽ lập văn bản gửi cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh. Theo đó, cá nhân và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể biết việc bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế quá hạn thông qua văn bản thông báo của cơ quan quản lý thuế trực tiếp của mình.
Thêm vào đó, đối với những trường hợp có nợ thuế, trước khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế như tạm hoãn xuất cảnh thì sẽ được đôn đốc, nhắc nhở về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Cụ thể, tại Công văn số 4216/TCT-QLN của Tổng cục thuế được quy định như sau:
“- Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ đã quá 30 ngày, cơ quan thuế thực hiện ban hành Thông báo tiền thuế nợ gửi người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (etax). Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, nhưng có đăng ký địa chỉ email thì cơ quan thuế hỗ trợ gửi Thông báo qua email và qua ứng dụng etax mobile.
- Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với người nộp thuế để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo cho người nộp thuế biết về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày.”
Đây cũng là căn cứ để cá nhân, doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế khi có nhắc nhở từ cơ quan quản lý thuế trực tiếp hoặc công chức thuế, để tránh bị tạm hoãn xuất cảnh.
3.2 Thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục hải quan hoặc ứng dụng Etax Mobile
Ngoài ra, người nộp thuế có thể thực hiện tra cứu thông tin về nợ thuế, tra cứu các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh thông qua:
- Trang thông tin điện tử của Tổng cục thuế để tra cứu danh sách người nộp thuế có thông báo tạm hoãn/ gia hạn tạm hoãn/ hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
- Trang thông tin của Tổng cục hải quan tại mục “NNT có thông báo về xuất nhập cảnh” để tra cứu người nộp thuế có thông báo tạm hoãn/gia hạn tạm hoãn/hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh hay không.
- Hoặc kiểm tra thông báo về nợ thuế, áp dụng biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh thông qua ứng dụng Etax Mobile (ứng dụng thuế điện tử được cài đặt trên điện thoại di động thông minh).
4. Lưu ý giúp doanh nghiệp và cá nhân chủ động hơn
Dựa trên thực tế hiện nay, nhiều trường hợp cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không nhận được thông báo bị tạm hoãn xuất cảnh từ cơ quan có thẩm quyền do quá hạn nộp thuế làm ảnh hưởng đến lịch trình xuất cảnh. Để tránh gặp phải vấn đề này, một số lưu ý đối với cá nhân và doanh nghiệp để có thể chủ động hơn như sau:
- Thông báo, cập nhật với cơ quan thuế theo quy định khi thay đổi địa chỉ hoặc thông tin liên hệ để nhận được các thông báo liên quan về nợ thuế và áp dụng biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh từ cơ quan có thẩm quyền một cách kịp thời.
- Kiểm tra nợ thuế, tình trạng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế hoặc tra cứu thông tin tạm hoãn xuất cảnh trước khi xuất cảnh để không bị bất ngờ nếu bị tạm hoãn xuất cảnh, gây ảnh hưởng đến lịch trình.
- Chủ động hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để tranh bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nói chung và tạm hoãn xuất cảnh nói riêng.
Trên đây là những lưu ý về tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Bạn đọc cần hỗ trợ về thuế và những vướng mắc pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ các Luật sư, Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 (Phím 4)
E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com