Hiện nay, mỗi năm ngành thuế thanh tra, kiểm tra tối thiểu là 19,5% số doanh nghiệp hoạt động đang được quản lý thuế, trong đó bao gồm cả hình thức kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế. Doanh nghiệp thường rất lo lắng nếu bị cơ quan thuế kiểm tra tại trụ sở và các kế toán cũng thường rất vất vả trong các tình huống này. Vậy những trường hợp nào doanh nghiệp sẽ bị kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế? Định hướng tập trung thanh tra của ngành thuế năm 2025 sẽ rơi vào những ngành nghề nào? Đây là vấn đề đang được nhiều kế toán và chủ các doanh nghiệp quan tâm.

1. Các trường hợp bị kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế 

Theo quy định tại Điều 110 Luật Quản lý thuế 2019, 7 trường hợp sau đây sẽ bị kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, bao gồm:

(1) Trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước;

(2) Trường hợp hồ sơ thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không thu thì cơ quan quản lý thuế thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu. 

Trường hợp người nộp thuế đã giải trình và bổ sung thông tin, tài liệu chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì hồ sơ thuế được chấp nhận; nếu không đủ căn cứ chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì cơ quan quản lý thuế yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung.

Trường hợp hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế không đúng thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ra quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc làm căn cứ để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

(3) Trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;

(4) Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

(5) Trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề;

(6) Trường hợp theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền;

(7) Trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động mà cơ quan thuế không phải thực hiện quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:  Các trường hợp (5), (6), (7) chỉ bị kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế không quá 01 lần trong 01 năm.

Quyết định kiểm tra thuế phải được gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc và thực hiện công bố trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký. Trước khi công bố quyết định kiểm tra mà người nộp thuế chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng và nộp đủ số tiền thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế.

2. Định hướng chương trình thanh tra thuế năm 2025 đối với các doanh nghiệp

Theo nội dung Công văn 2220/TTCP-KHTH về định hướng Chương trình thanh tra năm 2025 ban hành ngày 23/10/2024, Thanh tra Chính phủ có nêu nội dung định hướng chương trình thanh tra năm 2025 của Tổng cục Thuế bao gồm việc tập trung thanh tra thuế 9 nhóm doanh nghiệp sau đây trong năm 2025:

(1) Các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro như: Dầu khí; xăng dầu; điện lực; viễn thông; ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; cho thuê tài chính; dược phẩm; bất động sản; xây dựng; kinh doanh chế tác vàng, bạc, đá quý; hoạt động vui chơi giải trí; truyền thông quảng cáo; thương mại điện tử...;

(2) Doanh nghiệp quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra;

(3) Doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án;

(4) Doanh nghiệp phát hành chứng khoán trả cổ tức bằng cổ phiếu, trả cổ phiếu thưởng;

(5) Doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm hoặc thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực;

(6) Doanh nghiệp có rủi ro cao về hoá đơn;

(7) Doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận, có rủi ro về hoàn thuế hoặc được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế;

(8) Doanh nghiệp có phát sinh hồ sơ miễn giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần;

(9) Doanh nghiệp có thông tin giao dịch đáng ngờ do Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, cơ quan Hải quan cung cấp.

 

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer