Ngày 17/5/2025, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển kinh tế tư nhân - khu vực đang đóng góp hơn 40% GDP quốc gia và tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động. Một trong những nội dung trung tâm của Nghị quyết là nhóm chính sách liên quan đến thuế và phí, hướng đến mục tiêu giảm thiểu gánh nặng tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hộ kinh doanh cá thể. Bài viết dưới đây tổng hợp và phân tích các điểm mới nổi bật về thuế - phí từ góc nhìn pháp lý, giúp doanh nghiệp hiểu rõ cơ hội chính sách và có bước chuẩn bị phù hợp trong giai đoạn tới.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Điểm mới quan trọng đầu tiên là quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các chủ thể hoạt động trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bao gồm:
- Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
- Công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;
- Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây là lần đầu tiên chính sách thuế có sự phân biệt rõ ưu đãi theo tính chất hoạt động đổi mới sáng tạo, không đơn thuần căn cứ vào quy mô doanh nghiệp hay địa bàn hoạt động như trước. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế sẽ vẫn tuân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, nhưng Nghị quyết tạo thêm căn cứ pháp lý để mở rộng phạm vi đối tượng được ưu đãi, thúc đẩy dòng vốn, chất xám và công nghệ vào nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp.
2. Miễn thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Một chính sách đáng chú ý khác là miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu từ các hoạt động sau: chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. So với trước đây, các hoạt động nêu trên vẫn bị đánh thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường. Việc miễn thuế là cơ chế pháp lý nhằm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy thị trường tài chính linh hoạt cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
3. Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Cụ thể, miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là một mô hình ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo ngành nghề và vị trí công tác, hướng tới chính sách khuyến khích thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao cho hoạt động đổi mới sáng tạo, điều chưa từng có trong chính sách thuế hiện hành.
4. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập
Nghị quyết quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 03 năm đầu thành lập, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. So với quy định hiện hành tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ “được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”. Tác động pháp lý của quy định này là tạo không gian tài chính ban đầu cho các doanh nghiệp non trẻ để ổn định hoạt động, tăng khả năng tồn tại vượt qua giai đoạn thường gặp nhiều khó khăn là 3 năm đầu tiên.
5. Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp lớn tham gia đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi
Theo Nghị quyết, chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Điểm mới này phản ánh chính sách khuyến khích kết nối chuỗi giá trị và chuyển giao tri thức giữa các doanh nghiệp, thay vì chỉ giới hạn ưu đãi thuế cho hoạt động nội bộ.
6. Chấm dứt phương pháp khoán thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh từ 2026
Từ ngày 01/01/2026, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh không còn áp dụng phương pháp khoán thuế, mà phải nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, tức là sẽ chuyển sang phương thức kê thai thuế theo sổ sách, hóa đơn. Sự thay đổi này nhằm nâng cao tính minh bạch, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, khuyến khích chuyển đổi dần từ hộ sang doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức về năng lực kế toán, tuân thủ pháp lý của hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ.
7. Chấm dứt thu lệ phí môn bài từ năm 2026
Một cải cách mang tính đơn giản hóa hệ thống thuế là bãi bỏ hoàn toàn lệ phí môn bài từ ngày 01/01/2026. Chính sách này được ban hành nằm trong tiến trình quá trình cắt giảm các loại phí không còn phù hợp, từng được đề xuất trong các nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh. Điều này giúp giảm chi phí cố định hằng năm cho các chủ thể kinh doanh, đặc biệt là đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
8. Miễn lệ phí, phí cấp đổi giấy tờ khi tổ chức lại bộ máy nhà nước
Đây là chính sách hướng đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính hoặc cải cách tổ chức bộ máy theo quyết định của Nhà nước. Theo đó, các thủ tục cấp lại, cấp đổi giấy tờ như đăng ký kinh doanh, thông tin hóa đơn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…sẽ được miễn toàn bộ phí và lệ phí.
Ngoài ra, Nghị quyết số 198/2025/QH15 không chỉ thể hiện định hướng cải cách thuế – phí nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, mà còn xác lập những nguyên tắc thuế tiến bộ như:
- Không hồi tố bất lợi.
- Số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có), bao gồm cả kiểm tra liên ngành, không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
- Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Kế hoạch, kết luận thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải được công khai theo quy định của pháp luật.
Do đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nên chủ động:
- Rà soát khả năng hưởng ưu đãi thuế – phí theo quy định mới
- Chuẩn bị hồ sơ, chứng từ đầy đủ để chứng minh điều kiện áp dụng
Nếu có những vướng mắc pháp lý liên quan, hãy liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được tư vấn gỡ vướng và cung cấp dịch vụ pháp lý, hỗ trợ kịp thời.
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com