Luật Sao Việt cho tôi hỏi: Mẹ tôi là giáo viên năm nay đã 52 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm. Năm nay mẹ tôi có ý định về hưu. Vậy mẹ tôi có đủ điều kiện về hưu trong năm nay không? Nếu được, mức bình quân tiền lương hưu là bao nhiêu và mẹ tôi cần chuẩn bị hồ sơ gì để nộp cho cơ quan bảo hiểm? Tôi xin cảm ơn!
Hình ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trả lời:
Với câu hỏi của bạn, Luật sư Sao Việt trả lời như sau:
Thứ nhất, Mẹ bạn có đủ điều kiện hưởng lương hưu không.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 và điểm c khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì:
"Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
c) Cán bộ, công chức, viên chức;"
Mẹ bạn 52 tuổi, là viên chức có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định trên mẹ bạn chưa đủ điều kiện để được hưởng lương hưu, do chưa thỏa mãn điều kiện về độ tuổi hưởng lương hưu. Mẹ bạn có thể có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm đến khi đủ 55 tuổi để được hưởng lương hưu, trừ trường hợp mẹ bạn bị suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, Mức bình quân tiền lương hưởng lương hưu khi mẹ bạn đủ điều kiện được Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
Điều 62. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
đ) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
e) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
g) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian
Như vậy, bạn căn cứ vào thời điểm tham gia bảo hiểm xã hội của mẹ bạn để xác định mức bình quân tiền lương hàng tháng mà mẹ bạn nhận được
Thứ ba, hồ sơ nộp cho Cơ quan bảo hiểm để hưởng lương hưu bao gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội
+ Quyết định nghỉ việc đối với người đang đóng bảo hiểm
+ Đơn đề nghị hưởng lương hưu theo mẫu đối với người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa (nếu có)
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896
E-mail: saovietlaw@vnn.vn
>>> Tham khảo bài viết : Điều kiện người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp