TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 333/2022/DS-PT NGÀY 20/12/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 20 tháng 12 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 304/2022/TLPT-DS ngày 27/10/2022 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 130/2022/DS-ST ngày 15/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện C bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 318/2022/QĐ-PT ngày 01/12/2022 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1951 Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre Địa chỉ liên hệ: Ấp Q, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Văn T - Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre.
2. Bị đơn:
2.1. Ông Trần Văn N, sinh năm 1968 2.2. Bà Trần Thị Thu T1, sinh năm 1972 Cùng địa chỉ: Ấp Q, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Sử Văn N1, sinh năm 1954 Địa chỉ: Ấp T, xã L, huyện C, tỉnh Bến Tre.
3. Người làm chứng (do nguyên đơn mời):
3.1. Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1966 3.2. Ông Lê Văn C, sinh năm 1962 3.3. Ông Dương Minh T2, sinh năm 1969 Cùng địa chỉ: Ấp Q, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn S; bị đơn bà Trần Thị Thu T1, ông Trần Văn N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Nguyễn Văn S trình bày:
Ông là chủ sử dụng phần đất có diện tích 1.030m2 thuộc thửa số 411, tờ bản đồ số 15, tọa lạc ấp Q, xã T, huyện C, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 08/4/2021. Nguồn gốc đất là của ông Dương Minh T2 chuyển nhượng lại cho con gái của ông là Nguyễn Thị M năm 2006 với diện tích 1.125m2, giá chuyển nhượng 58.000.000 đồng. Mặc dù chị M nhận chuyển nhượng và đứng tên nhưng ông là người trực tiếp canh tác sử dụng. Đến năm 2012, Vlap đo đạc chính quy và cấp lại GCNQSDĐ cho chị M với diện tích 1.030m2. Cùng năm 2021, chị M chuyển nhượng lại phần đất này cho ông đứng tên (với hình thức tặng cho) cũng với diện tích là 1.030m2.
Trong quá trình sử dụng, ông làm cây con giống trên đất, giáp với đất của ông là đất của bà T1, ông N thuộc thửa 412. Ranh đất giữa hai bên trước đây là con mương nhưng hiện nay đã lạng dần, khi ông về sử dụng đất thì con mương đã có sẵn và hiện trạng đã bị lạng dần do mưa trôi cát từ trên xuống. Phần đất đang tranh chấp giữa hai bên, từ trước đến nay bà T1 vẫn canh tác và lấn dần qua bên đất của ông. Do khi mới đến canh tác thửa 412 ông thấy cũng không đáng bao nhiêu và vì tình làng nghĩa xóm nên để cho bà T1 canh tác, hơn nữa khi thấy ông sử dụng đến phần đất này thì bà T1 chửi ông nên ông không canh tác. Ngày 15/3/2021, bà T1 qua đất của ông chặt cây, đốn cây sua đũa và đẩy trụ hàng rào bê tông ngã gãy, nguyên nhân do bà T1 cho rằng đất của bà còn lấn qua bên ông 05 tấc, sau đó bà T1 tự ý làm hàng rào lưới b40. Ông đã yêu cầu địa phương hòa giải nhưng không thành.
Do đó, ông khởi kiện yêu cầu bà T1 và ông N phải trả lại cho ông phần đất lấn chiếm với diện tích theo đo đạc thực tế là 49,9m2 thuộc một phần thửa số 411, tờ bản đồ số 15, tọa lạc ấp Q, xã T, huyện C, đồng thời tự tháo dỡ, di dời hàng rào lưới b40 ra khỏi phần đất trên. Trên phần đất này không có cây trồng và vật kiến trúc nào khác.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 trình bày:
Thửa đất bà T1 và ông N đang sử dụng có nguồn gốc của cha bà T1 là ông Trần Văn Tràng cho ông bà sử dụng. Năm 1992, ông bà về cất nhà trên thửa đất này, khi đó ông Tràng chưa được cấp quyền sử dụng. Năm 1998, ông Tràng được cấp quyền sử dụng, diện tích cụ thể bao nhiêu bà không biết vì ông Tràng được cấp hai thửa nhưng bà chỉ sử dụng có một phần. Năm 2013, ông bà được ông Tràng tặng cho phần đất đang ở với diện tích 603,9m2, thuộc thửa 412, tờ bản đồ số 15 giáp với thửa 411 của ông Dương Minh T2. Do đất của ông Tuấn trồng cây cao hơn đất của ông bà nên ông bà có đào con mương ranh bên phần đất của ông bà từ ngoài lộ chạy vào tới rạch công cộng để thoát nước và tận dụng con mương để nuôi cá. Việc ông bà đào con mương, ông Tuấn không có ý kiến gì và thừa nhận là con mương của ông bà nên ông bà sử dụng từ xưa cho đến nay.
Năm 2006, bà Màu nhận chuyển nhượng đất của ông Tuấn, ông bà vẫn sử dụng con mương này, việc bà Màu nhận chuyển nhượng đất của ông Tuấn không có cặm ranh với đất của ông Tràng, hơn nữa đất lúc này còn do ông Tràng đứng tên QSDĐ, mặc dù bà Màu nhận chuyển nhượng đất của ông Tuấn nhưng do ông S quản lý sử dụng từ lúc nhận chuyển nhượng đến nay. Ông S cũng không có nói gì về con mương này với ông bà, lúc đó ông bà vẫn nuôi cá ở con mương này. Cách nay khoảng 10 năm, khi ông bà bơm cát xây nhà thì cát trôi xuống mương mới lấp dần con mương này thì ông S biết nhưng cũng không có nói hay phản ứng gì, ông bà lấp con mương bằng cát, ông bà lấp dần dần, không phải một lần nên ông S vẫn biết. Hiện con mương này được lấp gần hoàn thiện (còn hơi trũng), hiện trạng con mương này không có trồng gì.
Đến năm 2021, ông bà rào lưới b40 giáp với phần đất của ông S, trước khi rào ông bà có kéo dây trước và kêu ông S ra xem, ông bà nói rào bên phần đất mương của ông bà, ông S nói đất của thím thì thím rào nên ông bà mới kéo lưới rào. Sau đó, ông S thưa ông bà ra ấp rồi đến xã rồi đến Toà án mà ông bà cũng không biết lý do vì sao. Từ trước đến nay đường ranh giữa thửa 412 của ông bà với thửa 411 của ông S là đường cong như đúng vị trí đất ông bà đã sử dụng, không phải đường ranh thẳng như ông S trình bày. Ông bà không hiểu vì sao khi ông bà được cấp GCNQSDĐ thì đường ranh giữa hai bên là đường thẳng nhưng do lúc được cấp GCNQSDĐ thì ông bà không có xem đến, ông bà cũng không có khiếu nại gì về GCNQSDĐ đã cấp.
Qua yêu của ông S, ông bà đồng ý giao lại phần đất tranh chấp này theo diện tích đo đạc thực tế 49,9m2 cho ông S nhưng ông S phải bồi hoàn lại công sức cho ông bà tương đương với giá Hội đồng định giá đã định, ông bà đồng ý tự tháo dỡ, di dời hàng rào ra khỏi phần đất trên.
Do hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện C đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 130/2022/DS-ST ngày 15/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện C đã áp dụng các Điều 158, 166, 175 Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 147, 157, 165, 271, 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự; các Điều 12, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án tuyên xử:
[1] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn S đối với ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Buộc ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 có trách nhiệm trả lại phần đất có diện tích 49,9m2 (gồm phần kí hiệu 411 tách 1 diện tích 48,4m2 và 411 tách 2 diện tích 1,5m2) thuộc một phần thửa số 411, tờ bản đồ số 15, tọa lạc ấp Q, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre do ông Nguyễn Văn S đứng tên quyền sử dụng đất. Đồng thời buộc ông N, bà T1 phải tháo dỡ, di dời hàng rào lưới B40 và các trụ đá ra khỏi phần đất nêu trên.
Đất có tứ cận: Đông giáp đường công cộng; Tây giáp rạch công cộng; Nam giáp phần còn lại thửa 411 của ông Nguyễn Văn S; Bắc giáp thửa 412 của bà Trần Thị Thu T1 (có họa đồ kèm theo).
[2] Buộc ông Nguyễn Văn S có trách nhiệm bồi hoàn công sức cho ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 với số tiền là 25.418.311đồng (làm tròn là 25.418.000 đồng).
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 26/7/2022, bị đơn ông Trần Văn N, bà Trần Thị Thu T1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo nội dung kháng cáo, ông N và bà T1 trình bày: Ông bà là người sử dụng phần đất tranh chấp từ trước đến nay, ông Tuấn là chủ đất cũ không có tranh chấp với ông bà, sau đó ông Tuấn chuyển nhượng cho bà Màu thì bà Màu cũng không có tranh chấp. Đến khi ông S nhận chuyển nhượng từ bà Màu, ông S vẫn không sử dụng phần đất này cho đến khi ông bà xây hàng rào thì phát sinh tranh chấp. Do đó, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận cho bị đơn được quyền sử dụng phần đất tranh chấp. Nếu phải giao cho nguyên đơn sử dụng phần đất tranh chấp thì phải bồi thường cho bị đơn giá trị quyền sử dụng đất là 149.700.000 đồng.
Ngày 27/7/2022, nguyên đơn ông Nguyễn Văn S kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Theo nội dung kháng cáo, ông S yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không buộc ông phải bồi hoàn công sức cho bị đơn với số tiền 25.418.000 đồng vì những năm qua bị đơn đã lấn chiếm đất của ông để canh tác, gây thiệt hại cho ông nên ông không có trách nhiệm phải bồi hoàn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông S giữ nguyên nội dung kháng cáo. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Đối với phần đất tranh chấp diện tích 49,9m2 cấp sơ thẩm xác định thuộc quyền sử dụng của ông S, do bị đơn không có kháng cáo nên nguyên đơn không tranh luận nội dung này. Riêng đối với số tiền đền bù, nguyên đơn kháng cáo vì quyền sử dụng đất cấp cho nguyên đơn, thực tế bị đơn không có san lấp phần đất này, hơn nữa nếu bị đơn có san lấp thì cũng gây khó khăn cho việc sử dụng đất của nguyên đơn vì đây là phần đất dùng vào việc thoát nước, lẽ ra bị đơn phải trả tiền nạo vét mương cho nguyên đơn mới đúng. Phần đất tranh chấp là một phần đất lở của con mương, theo ranh địa chính thì phần đất này nằm hoàn toàn trên thửa 411 của ông S, các bên không có khiếu nại về hình thể, diện tích đất được cấp nên căn cứ vào ranh địa chính bị đơn phải có nghĩa vụ trả lại cho nguyên đơn. Ngoài ra, cấp sơ thẩm xác định mức bồi thường bằng 1/3 khung giá đất là không có cơ sở. Nguyên đơn có cung cấp chứng cứ mới là Biên bản họp Tổ nhân dân tự quản số 8 và trình bày của nhân chứng thể hiện đất không được tôn tạo, cấp sơ thẩm cho rằng bị đơn có công sức tôn tạo là không phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, không buộc nguyên đơn phải bồi thường cho bị đơn số tiền 25.418.311 đồng.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn không đồng ý với kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên nội dung kháng cáo, ông N1 trình bày: Từ năm 1992, bà T1 được ông Tràng cho sử dụng con mương giáp ranh giữa hai thửa đất của ông Tràng và ông Tuấn. Năm 1993-1994, huyện C tổ chức đo đạc, ông Tuấn đăng ký quyền sử dụng diện tích đất 875m2 thuộc thửa 411 và được Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy lần đầu năm 1996. Do đó, việc ông S chuyển nhượng đất cho bà Màu diện tích 1.225m2 vào năm 2006, đến năm 2012 được cấp đổi theo dự án Vlap với diện tích 1.030m2 và sau đó bà Màu chuyển nhượng phần đất này lại cho ông S vào năm 2021 là không phù hợp về diện tích. Trong khi đó, giữa các chủ sử dụng đất không có tranh chấp về ranh, nguyên đơn vẫn công nhận phần mương này là của bị đơn, đến khi bà T1 rào đất, ông S cũng công nhận của bà T1 thì bà T1 rào nhưng sau đó lại tranh chấp. Ranh thực tế không thay đổi, bà T1 vẫn sử dụng đất là con mương. Nếu như trừ đi 49,9m2 đất tranh chấp thì phần đất của ông S có diện tích 980m2 vẫn phù hợp với diện tích đất được cấp ban đầu. Cấp sơ thẩm xác định diện tích 49,9m2 đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông S là chưa phù hợp vì nguyên đơn không có sử dụng đất tranh chấp, trong khi bà T1 sử dụng đất từ năm 1992, gần như 30 năm không ai tranh chấp. Hơn nữa, trong thực tiễn người dân không thể nắm được ranh đất trên giấy tờ nên cần chấp nhận theo ranh thực tế. Bị đơn đồng ý giao lại phần đất tranh chấp để đúng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nhưng nguyên đơn phải bồi hoàn giá trị quyền sử dụng đất, tức là bị đơn chuyển nhượng lại cho nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị Thu T1 và ông Trần Văn N, chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn S, sửa Bản án sơ thẩm số: 130/2022/DS-ST ngày 15/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bến Tre, không buộc ông Nguyễn Văn S có trách nhiệm bồi hoàn công sức tôn tạo, quản lý đất cho ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên; xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn S, ông Trần Văn Ngiệp, bà Trần Thị Thu T1; Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Phần đất tranh chấp qua đo đạc thực tế có diện tích 49,9m2, được kí hiệu 411 tách 1 diện tích 48,4m2 và 411 tách 2 diện tích 1,5m2, thuộc một phần thửa 411, tờ bản đồ số 15, tọa lạc xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre. Phần đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn S, tuy nhiên bị đơn ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 là người quản lý, sử dụng.
Nguyên đơn cho rằng phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng đất đã được cấp cho ông nên yêu cầu bị đơn trả. Trong khi đó, bị đơn không đồng ý trả lại phần đất tranh chấp cho nguyên đơn nếu nguyên đơn muốn nhận lại phần đất này phải bồi thường cho bị đơn công sức đóng góp 3.000.000 đồng/m2.
[2] Về nguồn gốc: Thửa đất 411 của gia đình ông S có nguồn gốc do bà Nguyễn Thị M nhận chuyển nhượng từ ông Dương Minh T2 vào năm 2006, năm 2021 bà Màu tặng cho quyền sử dụng đất lại cho ông S. Thửa đất 412 của bà T1 được cha bà là ông Trần Văn Tràng tặng cho vào năm 2013.
[3] Về quy trình cấp giấy chứng nhận:
Tại các bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 23/3/2011 và 27/3/2011 (được kèm theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 411 và 412) bà Nguyễn Thị M và ông Trần Văn Tràng đều có ký tên xác định ranh giới giữa thửa đất 411 và 412 nên có cơ sở căn cứ vào hồ sơ đo đạc chính quy để giải quyết vụ án. Theo kết quả đo đạc ngày 30/3/2022 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện C, phần đất tranh chấp nằm trong QSDĐ của ông S thuộc thửa 411, tờ bản đồ số 15. Về diện tích, theo giấy chứng nhận ông S được cấp 1.030m2, nhưng thực tế sử dụng của ông khi đo đạc là 980,1m2 và nếu tính cả phần tranh chấp (49,9m2) thì diện tích của ông S mới đủ 1.030m2. Trong khi đó phần đất của bà T1 theo diện tích được cấp 603,9m2, đo đạc thực tế là 603,9m2 là phù hợp với diện tích được cấp GCNQSDĐ (hai bên cùng thống nhất chỉ điểm ranh từ số 4 đến số 5 theo sơ đồ mô tả nên diện tích đất của bà T1 còn lại 603,2m2). Hơn nữa, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất 411, 412 nguyên đơn và bị đơn đều không ai có khiếu nại về diện tích, hình thể đất được cấp. Do đó, cấp sơ thẩm xác định phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng đất của nguyên đơn là phù hợp.
[4] Quá trình sử dụng đất và công sức cải tạo đối với phần đất tranh chấp:
Các bên trình bày thống nhất từ khi ông S nhận quản lý, sử dụng đất từ bà Màu thì phần đất tranh chấp đã do bà T1, ông N sử dụng; hiện trạng đất tranh chấp là một phần con mương nhưng nay đã lạng. Bị đơn cho rằng do gia đình bơm cát vào nền nhà và để cát trôi xuống để lấp con mương, nguyên đơn cho rằng bà T1 bơm cát vào nền nhà và do lâu ngày mưa trôi xuống nên lạng như hiện nay. Bà T1 và ông N yêu cầu ông S phải bồi hoàn công sức tôn tạo, quản lý đất với giá 3.000.000 đồng/m2 nếu muốn nhận lại phần đất tranh chấp.
Tuy nhiên, tại biên bản hòa giải tranh chấp ranh đất ngày 22/4/2021 của Ủy ban nhân dân T, bà T1 trình bày “yêu cầu ông S yêu cầu đo đạc lại phần diện tích cấp giấy của ông S, nếu như ranh tới vị trị nào thì tính tại vị trí đó, nếu ai có cắm hàng rào hay xây dựng vi phạm thì người làm tự tháo dỡ”. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Dương Minh T2 là người làm chứng trình bày ông là người đã chuyển nhượng đất cho bà Màu con ông S, phần đất tranh chấp khi chuyển nhượng là thuộc quyền sử dụng của ông, ông Tràng cha bà T1 có đào con mương thoát nước lấn qua phần đất của ông nhưng diện tích không đáng kể, không lớn như diện tích hiện các bên đang tranh chấp, mương ông Tràng đào là mương lạng. Phần diện tích mương mà ông Tràng đào thì ông S và bà T1 cùng sử dụng để thoát nước. Hiện tại phần đất tranh chấp cũng đã lạng như thời điểm ông chuyển nhượng cho bà Màu. Như vậy, có cơ sở xác định chính bà T1 cũng đồng ý trả lại phần đất tranh chấp theo kết quả đo đạc nếu có lấn qua đất của ông S, hơn nữa phần đất tranh chấp chỉ là một phần của con mương và hiện trạng mương trước đây và hiện tại đều là mương lạng nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu bồi hoàn công sức quản lý, cải tạo đối với phần đất tranh chấp theo yêu cầu cho ông N, bà T1. Đồng thời, do xác định phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của nguyên đơn nên bà T1 và ông N phải tự tháo dỡ, di dời hàng rào lưới B40 cùng các trụ đá để trả lại phần đất nêu trên cho ông S.
Từ những nhận định trên, Tòa án sơ thẩm xác định quyền sử dụng đất tranh chấp thuộc về nguyên đơn là có căn cứ, tuy nhiên cấp sơ thẩm buộc nguyên đơn phải bồi hoàn công sức cho bị đơn là chưa xem xét đánh giá toàn diện chứng cứ và các tình tiết của vụ án. Kháng cáo của nguyên đơn là có căn cứ nên được chấp nhận, sửa bản án sơ thẩm, không buộc nguyên đơn phải bồi hoàn công sức cho bị đơn. Bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ mới để chứng minh nên không được chấp nhận.
[5] Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[6] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên phải chịu ông Nguyễn Văn S không phải chịu án phí. Kháng cáo của ông Trần Văn N, bà Trần Thị Thu T1 không được chấp nhân nên phải chịu án phí theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
Chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn S;
Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn N, bà Trần Thị Thu T1;
Sửa Bản án sơ thẩm số: 130/2022/DS-ST ngày 15/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bến Tre.
Áp dụng các Điều 158, 166, 175 Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 147, 157, 165, 271, 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự; các Điều 12, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
[1] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn S đối với ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Buộc ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 có trách nhiệm trả lại cho ông Nguyễn Văn S phần đất có diện tích 49,9m2 (gồm phần kí hiệu 411 tách 1 diện tích 48,4m2 và 411 tách 2 diện tích 1,5m2) thuộc một phần thửa số 411, tờ bản đồ số 15, tọa lạc ấp Q, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre do ông Nguyễn Văn S đứng tên quyền sử dụng đất. Đồng thời buộc ông Trần Văn N, bà Trần Thị Thủy phải tháo dỡ, di dời hàng rào lưới B40 và các trụ đá ra khỏi phần đất nêu trên (có sơ đồ mô tả thửa đất kèm theo).
[2] Về chi phí tố tụng: Buộc ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 có trách nhiệm trả cho ông Nguyễn Văn S số tiền 5.321.000 đồng.
[3] Về án phí:
[3.1] Án phí sơ thẩm: Buộc ông Trần Văn N và bà Trần Thị Thu T1 liên đới chịu 300.000 đồng.
[3.2] Án phí phúc thẩm: Buộc ông Trần Văn N, bà Trần Thị Thu T1 mỗi người phải chịu 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí mỗi người đã nộp là 300.000 đồng theo các biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số 0008386 ngày 12 tháng 8 năm 2022 và số 0008488 ngày 26 tháng 10 năm 2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Bến Tre.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn