Trong tháng 06/2015, nhiều chính sách nổi bật về Giao thông – Vận tải bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể như sau:

1. Miễn tiền thuê đất cho bến xe khách tại các huyện nghèo

Từ ngày 01/06, Quyết định 12/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách có hiệu lực, theo đó:

Đối với bến xe tại các khu vực khác cũng được miễn tiền thuê đất cho phần diện tích của các hạng mục công trình dịch vụ bắt buộc, như: khu vực đón, trả khách, phòng chờ, khu bán vé, khu vệ sinh…

Ngoài ra, thu nhập của nhà đầu tư từ dự án đầu tư mới bến xe khách tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định 218/2013/NĐ-CP thì được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

Đồng thời quy định cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng bến xe khách đối với địa phương.

2. Xử lý vi phạm đơn vị khai thác bến xe khách

Theo Thông tư 10/2015/TT-BGTVT, việc xử lý vi phạm đối với đơn vị khai thác bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ thực hiện như sau:

- Bị nhắc nhở bằng văn bản và phải khắc phục trong thời hạn tối đa là 10 ngày khi vi phạm quy định tại một trong các khoản của Điều 10 của Thông tư này.

- Nếu không khắc phục đúng thời hạn hoặc tiếp tục vi phạm từ 4 điểm trở lên của Điều 10 trong thời hạn 01 năm thì bị Sở GTVT công bố trên các kênh thông tin đại chúng danh sách khuyến cáo không sử dụng những bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

- Trong thời hạn 01 năm, kể từ khi vi phạm lần đầu, nếu tiếp tục không khắc phục theo quy định tại khoản 2 Điều 23 hoặc vi phạm toàn bộ các quy định của Điều 10 thì bị cơ quan có thẩm quyền đóng cửa bến xe và thu hồi quyết định công bố bến xe, trạm dừng nghỉ, bến xe hàng theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/06/2015.

3. Quản lý chi phí cứu hộ trên đường cao tốc

Từ ngày 01/06, Thông tư 08/2015/TT-BGTVT quy định về công tác cứu hộ và định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Chi phí cứu hộ trên đường cao tốc bao gồm:

- Bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông khu vực hiện trường;

- Vận chuyển người trên phương tiện được cứu hộ đến nơi quy định;

- Bốc dỡ, vận chuyển, xếp hàng hóa trên phương tiện được cứu hộ đến nơi quy định;

- Cẩu, dựng phương tiện, thiết bị được cứu hộ (nếu cần thiết);

- Vận chuyển phương tiện, thiết bị được cứu hộ đến nơi quy định;

- Xác định mức độ, giá trị thiệt hại công trình đường cao tốc do phương tiện được cứu hộ gây ra;

- Dọn dẹp, vệ sinh hiện trường sau cứu hộ;

- Hỗ trợ cứu hộ (xác minh thông tin, mở và đóng các điểm quay đầu đổi chiều khẩn cấp trên dải phân cách giữa, cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông).

4. Thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải mới

Theo Thông tư 07/2015/TT-BGTVT, Thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải thực hiện như sau:

Tổ chức, cá nhân gửi 1 bộ Hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải đến Cục Hàng hải Việt Nam (nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác), hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này.

- Thiết kế kỹ thuật của báo hiệu hàng hải.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, nếu nộp trực tiếp thì phải trả lại ngay và hướng dẫn hoàn thiện, nếu nộp qua đường bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác thì trong 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, phải có văn bản yêu cầu hoàn thiện hồ sơ.

Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải; nếu không chấp thuận thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tư 07 có hiệu lực từ ngày 01/06/2015.

5. Điều kiện làm nhân viên lái tàu đường sắt đô thị

Từ ngày 01/6, Thông tư 05/2015/TT-BGTVT quy định tiêu chuẩn chức danh nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu đường sắt đô thị bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, chức danh lái tàu phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có bằng, chứng chỉ đào tạo lái tàu đường sắt đô thị.

- Nam không quá 55 tuổi, nữ không quá 50 tuổi.

- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

- Giấy phép lái tàu do cơ quan có thẩm quyền cấp vẫn còn hiệu lực.

- Đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ lái tàu do doanh nghiệp quản lý, khai thác vận hành đường sắt đô thị tổ chức sát hạch.

6. Sửa đổi chỉ tiêu cấp lại, đổi giấy đăng ký ô tô, xe máy

Từ ngày 06/06, Thông tư 53/2015/TT-BTC sửa đổi một số chỉ tiêu quy định trong Biểu mức thu lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông tại Thông tư 127/2013/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, xe ô tô con hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bao gồm:

- Xe ô tô con của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hành  khách được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

- Xe ô tô con cho thuê tài chính đối với các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trường hợp cấp lại, đổi giấy đăng ký và biển số xe ô tô con không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và xe máy chuyển từ khu vực phải nộp lệ phí quy định mức thu thấp về khu vực phải nộp lệ phí quy định mức thu cao, tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí theo mức thu cấp mới.

Theo Quang Vinh - Thư viện pháp luật đăng ngày 22/05/2015

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer