Đại dịch Covid 19 đã kéo dài gần 2 năm qua, nhưng người dân vẫn chưa thể thích nghi với những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới đời sống, kinh tế và các quan hệ giao dịch hợp đồng thương mại. Để chung tay cùng Chính phủ ngăn chặn dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, kéo theo việc phải dừng hoặc hủy bỏ các hợp đồng mua bán/thuê mướn trước thời hạn. Vậy dịch bệnh Covid 19 có được coi là sự kiện bất khả kháng trong giao dịch dân sự hay không?

Ảnh minh họa, Nguồn: Internet.

Sự kiện bất khả kháng là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự: “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.” Khi sự kiện bất khả kháng xảy ra  thì người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự, sẽ được hưởng quy định tại khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự “bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự”.

Sự kiện bất khả kháng thường được sử dụng để ám chỉ thiên tai, thảm họa như động đất,lũ lụt, chiến tranh, bất ổn xã hội, dịch bệnh,....

Trước đây, điều khoản bất khả kháng vẫn thường được sử dụng như một điều khoản “dự phòng” trong các hợp đồng để cho phép một bên tạm ngừng hoặc chấm dứt hoàn toàn các nghĩa vụ đã giao kết trong hợp đồng khi có sự kiện bất ngờ, không thể đoán trước xảy ra. Thực tế cũng đã có nhiều vụ tranh chấp cần viện dẫn đến điều khoản bất khả kháng để giải quyết, nhưng chưa bao giờ người ta chú ý đến điều khoản này nhiều như hiện nay, khi mà dịch bệnh Covid 19 đang làm thế giới chao đảo và khiến giới luật gia phải đau đầu.

Theo quy định nêu trên, để được xem là một sự kiện bất khả kháng cần phải đáp ứng ba điều kiện:

- Xảy ra một cách khách quan

- Không thể lường trước được

- Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép

Như vậy, chỉ cần một điều kiện không đáp ứng thì sẽ không thể coi Covid 19 là sự kiện bất khả kháng để các bên tạm ngừng hoặc chấm dứt hợp đồng.

Vậy Covid 19 có được coi là sự kiện bất khả kháng không?

Theo Luật Sao Việt, cần xem xét cụ thể thời điểm xác lập hợp đồng để xác định Covid 19 có phải sự kiện bất khả kháng hay không, do yếu tố “không thể lường trước” của dịch bệnh chỉ phù hợp khi dịch bệnh mới bùng phát vào đầu năm 2020. Đến nay, đã hơn 1 năm trôi qua từ khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, những hợp đồng được xác lập trong và sau khi dịch bệnh được công bố sẽ không thể coi Covid 19 là sự kiện bất khả kháng do không đáp ứng điều kiện “không thể lường trước được”.

Ngoài ra, yếu tố “Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” cũng cần được cân nhắc kỹ càng dựa trên tình hình thực tế của các bên do đây cũng là yếu tố khó chứng minh minh bạch. Để được miễn trừ trách nhiệm, bên bị ảnh hưởng phải chứng minh là đã áp dụng “mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” để ngăn chặn ảnh hưởng của dịch bệnh trong việc thực hiện hợp đồng nhưng vẫn không thể khắc phục được. Nếu vẫn có thể khắc phục được ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng bên bị ảnh hưởng không cố gắng khắc phục bằng mọi cách hoặc không chứng minh được việc đã cố gắng khắc phục thì không thể được miễn trách với lý do Covid-19 là sự kiện bất khả kháng.

Hiện nay có hai luồng ý kiến cho rằng dịch Covid 19 có thể được coi là sự kiện bất khả kháng hoặc cũng có thể coi là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản hoặc trở ngại khách quan” tùy vào từng tình huống cụ thể. Theo quy định tại Điều 420 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015), điều kiện để được coi là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, gồm:

i. Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

ii. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên đó không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

iii. Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu biết trước thì bên bị ảnh hưởng đã không ký hợp đồng;

iv. Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

v. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép nhưng không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích của mình.

Đối với trường hợp coi covid 19 là tình huống làm thay đổi hoàn cảnh cơ bản trong giao dịch dân sự, khi đó các hoạt động phòng, chống dịch gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng là không thể tránh khỏi và cũng không thể lường trước được khi ký kết. Khác với “sự kiện bất khả kháng”, ở trường hợp này hợp đồng vẫn có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với bên bị ảnh hưởng sẽ xảy ra, có thể là chi phí quá lớn hoặc giá thành quá cao.

Những lưu ý đối với doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng, giao dịch dân sự mùa dịch. 

Nếu khi giao kết hợp đồng đã có điều khoản bất khả kháng các bên chỉ cần xem xét lại điều khoản này trong hợp đồng để xác định trường hợp áp dụng và những nghĩa vụ cần thực hiện. Tuy nhiên, nếu hợp đồng không quy định về sự kiện bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn có thể căn cứ vào quy định tại Điều 156 BLDS để yêu cầu đối tác tạm ngừng hoặc không yêu cầu bồi thường phá vỡ hợp đồng.

Ngoài ra, cần xem xét kỹ hợp đồng đã ký kết là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại, do hợp đồng thương mại thì hợp đồng không đương nhiên chấm dứt mà theo khoản 1, khoản 4 Điều 296 Luật Thương mại 2005 thì các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, để được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm phải thông báo ngay đồng thời có nghĩa vụ chứng minh cho phía đối tác về sự kiện bất khả kháng và hậu quả có thể xảy ra.

Từ sau “biến cố” Covid 19, các công ty cần phải rất chặt chẽ khi đưa vào hợp đồng các điều khoản bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản để tránh những tranh chấp không đáng có sau này.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer