Chơi hụi là hoạt động không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu người chơi có hành vi tổ chức hụi để cho vay nặng lãi hoặc chiếm đoạt tài sản thì sẽ là hành vi bị cấm. Liên tiếp hàng loạt những vụ vỡ hụi lên đến hàng tỷ đồng xảy ra gần đây khiến người tham gia điêu đứng vì rất khó được bồi thường đầy đủ. Vậy, rút kinh nghiệm từ những vụ việc này, dưới góc độ pháp lý, người chơi hụi cần lưu ý những gì để phòng tránh rủi ro khi góp hụi?
Để có thể đảm bảo quyền lợi của mình, giải pháp tốt nhất để phòng tránh rủi ro là người chơi hụi cần tuân thủ nghiêm các quy định liên quan mà pháp luật đã đặt ra. Hiện nay, Bộ luật dân sự năm 2015 và Nghị định số 19/2019/NĐ-CP là hai văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh trực tiếp về hụi. Dưới đây là một vài lưu ý mà người chơi hụi có thể thực hiện để việc tham gia hụi được an toàn hơn.
1. Không nên tham gia góp hụi (hay còn gọi là họ) chỉ dựa trên niềm tin
Hầu hết những vụ vỡ hụi xảy ra trên thực tế, những người tham gia góp hụi chỉ dựa trên sự tin tưởng với nhau và với chủ hụi. Khi đóng hụi, nhận hụi, nhận lãi…thường chỉ bằng miệng hoặc nếu có thì chỉ bằng những cuốn sổ viết tay đơn giản của chủ hụi, thậm chí không cần ký nhận. Đây chính là những nguyên nhân khiến cho người tham gia góp họ gặp rủi ro.
Trong trường hợp chủ hụi bỏ trốn hoặc vỡ hụi, người tham gia đề nghị cơ quan công an, Tòa án can thiệp nhưng lại không có bất kỳ giấy tờ hay chứng cứ nào để chứng minh hành vi chiếm đoạt của chủ hụi, số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu.
Để tránh gặp phải trường hợp này, chúng ta cần lưu một số nội dung sau:
1.1 Việc thoả thuận về hụi cần được thể hiện bằng văn bản
Căn cứ Điều 7, Điều 8 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, việc thỏa thuận về hụi được thể hiện bằng văn bản. Thậm chí, để an toàn hơn, những người tham gia hụi có thể yêu cầu công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận này. Điều này cũng được thực hiện tương ứng cả với văn bản sửa đổi, bổ sung trong trường hợp thỏa thuận về hụi có sự thay đổi.
Nội dung của văn bản thỏa thuận về hụi phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
“a) Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ họ (nơi chủ họ thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống);
b) Số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên;
c) Phần họ;
d) Thời gian diễn ra dây họ, kỳ mở họ;
đ) Thể thức góp họ, lĩnh họ.”
Ngoài các nội dung chủ yếu trên, văn bản thỏa thuận về dây họ có thể có những nội dung như: Mức hưởng hoa hồng của chủ họ trong họ hưởng hoa hồng; Lãi suất trong họ có lãi; Trách nhiệm ký quỹ hoặc biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác của chủ họ; Việc chuyển giao phần họ; Gia nhập, rút khỏi, chấm dứt dây họ; Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ…(theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 19/2019/NĐ-CP).
1.2 Lập và giữ sổ hụi để ghi nhận các hoạt động của hụi
Sổ họ phải được lập và giữ bởi chủ họ hoặc một thành viên khác trong trường hợp có thỏa thuận và trường hợp hụi không có chủ hụi. Theo Điều 12 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, sổ họ cần có các nội dung quan trọng sau đây:
“a) Các nội dung của thỏa thuận về dây họ quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định này;
b) Ngày góp phần họ, số tiền đã góp họ của từng thành viên;
c) Ngày lĩnh họ, số tiền đã lĩnh họ của thành viên lĩnh họ;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp họ và lĩnh họ;
đ) Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của dây họ.”
1.3 Yêu cầu cấp giấy biên nhận
Khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó, thay vì chỉ giao dịch bằng miệng.
Những việc làm trên không chỉ giúp thỏa thuận hụi giữa những người tham gia và chủ hụi được minh bạch, rõ ràng mà còn giảm thiểu rủi ro đối với trường hợp “hụi ma” (chủ hụi thêm khống tên thành viên tham gia hụi để hốt hụi, bỏ trốn hoặc vỡ hụi). Khi rủi ro xảy ra, những giấy tờ, tài liệu này sẽ là chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm của chủ hụi, ghi nhận những quyền lợi của người bị hại.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
2. Yêu cầu chủ hụi thực hiện đúng những nghĩa vụ mà pháp luật quy định
Những người là bị hại trong các vụ vỡ hụi do chủ hụi ôm tiền bỏ trốn hoặc vỡ hụi đều thừa nhận rằng bản thân đã quá tin tưởng chủ hụi nên mất cảnh giác. Trong khi đó, chủ hụi vốn là người có nhiều khả năng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nhất, bởi họ là người tổ chức, quản lý dây hụi, thu các phần hụi và giao các phần hụi đó cho thành viên được lĩnh.
2.1 Thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan có thẩm quyền
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, những chủ hụi tổ chức góp hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; hoặc tổ chức từ hai dây hụi trở lên thì phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi của mình. Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông báo mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung về việc thay đổi đó.
Nội dung văn bản thông báo bao gồm:
“a) Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ họ;
b) Thời gian bắt đầu và kết thúc dây họ;
c) Tổng giá trị các phần họ tại kỳ mở họ;
d) Tổng số thành viên.”
2.2 Thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đối với các thành viên tham gia hụi
Bên cạnh những quyền lợi được hưởng, chủ hụi phải thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật quy định để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thành viên tham gia. Theo Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, những nghĩa vụ này bao gồm:
“1. Thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi.
2. Thông báo đầy đủ về số lượng dây họ; phần họ, kỳ mở họ; số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ cho người muốn gia nhập dây họ.
3. Giao các phần họ cho thành viên lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ.
4. Nộp thay phần họ của thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Để các thành viên xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ khi có yêu cầu.”
Ngoài ra còn có các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật khác có liên quan. Đặc biệt, các thành viên tham gia hụi nên cân nhắc thỏa thuận về trách nhiệm ký quỹ hoặc biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác của chủ hụi. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả để chủ hụi cam kết thực hiện nghĩa vụ đến cùng, tránh việc bỏ trốn hay công bố vỡ hụi mà không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
Bài viết tham khảo:
4 điều kiện cần đáp ứng để khởi kiện một vụ án dân sự
Các vấn đề cần biết khi tiến hành khởi kiện vụ án dân sự
Trên đây là những chia sẻ của Luật Sao Việt liên quan đến những lưu ý để tránh rủi ro cho người tham gia góp hụi. Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào hoặc khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Sao Việt, bạn đọc vui lòng liên hệ Chuyên viên và Luật sư của chúng tôi thông qua những hình thức sau đây.
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com