Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế, không ít những trường hợp một hoặc nhiều người đồng thừa kế khác đang ở nước ngoài mà người khởi kiện không rõ địa chỉ cụ thể của họ. Khi đó, việc khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế thường đặt ra các câu hỏi: Liệu Tòa án có tiến hành xét xử mà vắng mặt người đó không? Và phần di sản thuộc quyền thừa kế của người này sẽ được xử lý ra sao trong trường hợp họ không tham gia tố tụng? Tham khảo bài viết dưới đây của Luật Sao Việt về vấn đề này nhé.

Ảnh minh họa (nguồn:Internet)

Theo quy định chung hiện hành, việc hoàn thiện đầy đủ các nội dung trong đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thuộc trách nhiệm của người khởi kiện. Trong đó, thông tin về địa chỉ của bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan là một nội dung bắt buộc. Quy định về hình thức và nội dung của đơn khởi kiện cũng là một trong những căn cứ để xác định có đủ điều kiện khởi kiện hay không. Theo đó, tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP (đang còn hiệu lực), hướng dẫn thi hành một số quy định liên quan đến thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm của Bộ luật tố tụng dân sự đều quy định rằng: Nếu người khởi kiện không thực hiện sửa đổi/bổ sung đầy đủ cụ thể hoặc ghi đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong đơn khởi kiện khi Tòa án có yêu cầu, thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện mà không thụ lý giải quyết vụ án. Trong vụ án tranh chấp về thừa kế có đồng thừa kế khác đang ở nước ngoài mà chưa rõ địa chỉ, việc thu thập thông tin đối với người khởi kiện trong nước là không hề dễ dàng do khoảng cách địa lý và nếu đã mất liên lạc. Do đó, nếu theo quy định chung trên đây, quyền khởi kiện của người khởi kiện là những người thừa kế trong nước sẽ không thể được đảm bảo. Từ đó, dẫn đến tình trạng các tranh chấp về thừa kế có liên quan sẽ không được giải quyết một cách dứt điểm và nhanh chóng.

Tuy nhiên, đối với nội dung này, Án lệ số 06/2016/AL (Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua vào 06/4/2016, và công bố tại Quyết định số 220/QĐ-CA của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) đã được tạo lập để đưa ra hướng xử lý thống nhất và hiệu quả. Theo nội dung của án lệ “trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt”. Theo đó, có hai vấn đề pháp lý quan trọng được đặt ra:

Thứ nhất, trong trường hợp đương sự không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải thực hiện trách nhiệm ủy thác tư pháp theo quy định để tiến hành thu thập. Trường hợp không thể xác định được địa chỉ hoặc việc ủy thác tư pháp không đạt được kết quả thì vụ án vẫn phải được giải quyết. Tuy đương sự là chủ thể có trách nhiệm cung cấp địa chỉ, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình nhưng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án cũng có trách nhiệm trong việc thu thập, xác minh những tài liệu, chứng cứ có liên quan. Trong đó, ủy thác thu thập chứng cứ là một biện pháp để Tòa án thực hiện thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, thẩm định tại chỗ, tiến hành định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự.” 

Thứ hai, sau khi thực hiện ủy thác tư pháp nhưng không thu được kết quả để phục vụ quá trình xét xử thì được giải quyết vắng mặt và phần di sản thuộc quyền thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ đó sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý, để sau này giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều này giúp cho vụ án được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, các xử lý này cũng đã đảm bảo rằng quyền thừa kế của người vắng mặt sẽ không bị xâm phạm. Đồng thời, nó cũng ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt di sản bất hợp pháp từ các đồng thừa kế khác.

Án lệ số 06/2016/AL có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều người Việt Nam định cư hoặc làm việc ở nước ngoài như hiện nay. Việc áp dụng án lệ này giúp hệ thống tư pháp có cơ sở giải quyết các vụ tranh chấp thừa kế tương tự một cách linh hoạt nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên liên quan. Qua đó, thể hiện tính minh bạch và công bằng của nền tư pháp.

Xem thêm: Án lệ số 06/2016/AL về vụ án “Tranh chấp thừa kế”

Nếu còn bất kỳ những vướng mắc nào liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của Luật Sao Việt để được giải đáp và tư vấn cụ thể.

Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer