Xin chào luật sư, tôi muốn được tư vấn một việc như sau: Chuyện là con tôi đi học về bằng xe đạp, bị chó của một nhà ven đường xồ ra lao vào bánh xe khiến cháu ngã ra đường và bị chấn thương sọ não. Con tôi được người dân đưa vào viện cấp cứu nên may mắn qua khỏi nhưng vì tai nạn sát ngày thi nên cháu đã phải lùi lại một năm nữa mới được thi đại học. Tiền chữa trị rất tốn kém, nhưng từ đó đến nay, nhà đó mang con chó chết về nhà rồi im thin thít, khi gia đình tôi đến làm việc thì chối đây đẩy, cho rằng con tôi đi nhanh nên mới tông chết chó của họ, và chỉ chấp nhận bồi thường 1 triệu. Tôi muốn hỏi, trong trường hợp này tôi có thể khởi kiện họ hay không?
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Trong vụ việc của bạn, có thể dễ dàng xác định có yếu tố lỗi của người chủ chó. Khi nuôi chó mà thả rông khiến chó gây thương tích cho người khác thì người chủ không chỉ phải bồi thường thiệt hại mà còn bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự trong một số trường hợp nhất định.
- Về trách nhiệm hành chính:
Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, nếu con chó gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác thì còn có thể bị phạt từ 1.000.0000 đến 2.000.000 triệu đồng.
- Về bồi thường thiệt hại dân sự:
Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra như sau:
Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Cũng theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, trường hợp này không phải sự kiện bất khả kháng và con bạn không có lỗi dẫn đến việc con chó lao từ trong nhà ra va vào xe của con bạn, nên chủ chó sẽ phải bồi thường. Việc bồi thường về sức khoẻ bị xâm phạm được áp dụng theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Thiệt hại về tinh thần (tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
* Về trách nhiệm hình sự:
Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Theo đó, điều luật này quy định người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
- Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com