Từ ngày 1/1/2021, Luật doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực. Do với Luật doanh nghiệp 2014, Luật doanh nghiệp 2020 đã có điều chỉnh, thay đổi một số nội dung. Cụ thể:

                                          Nguồn ảnh: Internet.

1. Doanh nghiệp nhà nước

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2020 đã có sự thay đổi về tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp nhà nước, theo đó điều 88 quy định như sau:

- Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

2. Đối tượng không được thành lập và quản lí doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp 2020 đã bổ sung một số đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp như:

- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);

- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự (Khoản 2 Điều 17).

3. Doanh nghiệp không phải thông báo mẫu trước khi sử dụng

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Tuy nhiên, Luật mới không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Luật này quy định dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số. Doanh nghiệp được quyết định loại dấu, quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

4. Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 hiện hành thì tên địa điểm kinh doanh bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Luật mới ngoài quy định về chữ viết thì bổ sung thêm tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh. (khoản 2 điều 40 Luật doanh nghiệp 2020).

5. Rút ngắn thời gian thông báo tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo (theo quy định tại điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014).

Tuy nhiên, Luật mới quy định doanh nghiệp cần phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 3 ngày làm việc trong trường hợp tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. (theo quy định tại khoản 1 điều 206 Luật doanh nghiệp 2020).

6. Quyền của cổ đông phổ thông

Theo quy định của Luật mới thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:

- Xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;

-  Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông;

- Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. (Khoản 2 Điều 115)

Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

7. Ủy ban kiểm toán

Luật doanh nghiệp 2020 lần đầu tiên khái niệm “Uỷ ban kiểm toán” lần đầu tiên được quy định cụ thể trong Luật doanh nghiệp 2020. Theo đó, điều 161 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

“1. Ủy ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị. Ủy ban kiểm toán có từ 02 thành viên trở lên. Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành.

2. Ủy ban kiểm toán thông qua quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động Ủy ban kiểm toán quy định. Mỗi thành viên Ủy ban kiểm toán có một phiếu biểu quyết. Trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động Ủy ban kiểm toán có quy định tỷ lệ khác cao hơn, quyết định của Ủy ban kiểm toán được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp tán thành; trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban kiểm toán.

3. Ủy ban kiểm toán có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Giám sát tính trung thực của báo cáo tài chính của công ty và công bố chính thức liên quan đến kết quả tài chính của công ty;

b) Rà soát hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro;

c) Rà soát giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về những giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông;

d) Giám sát bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty;

đ) Kiến nghị công ty kiểm toán độc lập, mức thù lao và điều khoản liên quan trong hợp đồng với công ty kiểm toán để Hội đồng quản trị thông qua trước khi trình lên Đại hội đồng cổ đông thường niên phê duyệt;

e) Theo dõi và đánh giá sự độc lập, khách quan của công ty kiểm toán và hiệu quả của quá trình kiểm toán, đặc biệt trong trường hợp công ty có sử dụng các dịch vụ phi kiểm toán của bên kiểm toán;

g) Giám sát nhằm bảo đảm công ty tuân thủ quy định của pháp luật, yêu cầu của cơ quan quản lý và quy định nội bộ khác của công ty.”

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer