Chào Luật sư, 2 năm trước tôi có mở một quán ăn dưới hình thức hộ kinh doanh. Thời gian gần đây, do hoạt động kinh doanh không được thuận lợi nên tôi muốn chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa biết phải thực hiện thủ tục này như thế nào? Rất mong được Luật sư giải đáp.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

Luật Doanh nghiệp năm 2020;

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Hộ kinh doanh là gì?

Luật Doanh nghiệp 2020 không nêu rõ khái niệm về hộ kinh doanh, tuy nhiên căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

Thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

Căn cứ theo Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

+ Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục III-5 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT;

+ Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế trực tiếp quản lý;

+ Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Lưu ý: Trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ (gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện), trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác.

Bước 2: Thông báo chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh.

Mức phạt đối với hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động không thông báo

Tại khoản 1 Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh như sau:

"Điều 63. Vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

b) Thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;

c) Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;

d) Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

đ) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

e) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;

g) Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.

Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế."

Như vậy, nếu hộ kinh doanh của bạn chấm dứt hoạt động mà không thực hiện thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt gấp đôi. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì hộ kinh doanh còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer