Câu hỏi: Kính chào Công ty Luật TNHH Sao Việt: Sắp tới doanh nghiệp của tôi dự định nhập khẩu một số loài động vật trên cạn do thị trường Việt Nam đang khan hiếm. Vậy việc nhập khẩu mặt hàng này có yêu cầu tiêu chuẩn điều kiện gì không? Mong Quý Công ty giải đáp thắc mắc của tôi. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã liên hệ và đặt câu hỏi cho chúng tôi, đối với vấn đề của bạn thì doanh nghiệp của bạn cần đảm bảo một số điều kiện về thể trạng sức khỏe của động vật nhập khẩu, cũng như thực hiện kiểm dịch động vật trước khi nhập khẩu về Việt Nam. Về điều kiện nhập khẩu, quy trình thực hiện kiểm dịch động vật sẽ được chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây:

Ngăn chặn nhập lậu gia súc, sản phẩm động vật qua các cửa khẩu biên giới -  Tạp chí Tài chính

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

1. Cơ sở pháp lý

- Luật thú y số: 79/2015/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2015;

- Nghị định số: 35/2016/NĐ-CP về hướng dẫn Luật thú y do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 5 năm 2016;

- Nghị định số: 80/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 35/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thú y do Chính phủ ban hành ngày 13 tháng 10 năm 2022;

- Thông tư số: 25/2016/TT-BNNPTNT quy định quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2016;

- Thông tư số: 35/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 25 tháng 12 năm 2018.

2. Danh mục động vật trên cạn phải kiểm dịch trước khi nhập khẩu vào Việt Nam

“Động vật trên cạn là các loài gia súc, gia cầm, động vật hoang dã, bò sát, ong, tằm và một số loài động vật khác sống trên cạn”, danh mục các loài động vật trên cạn nằm trong các nhóm trên, bao gồm:

- Gia súc: Trâu, bò, lừa, ngựa, la, dê, cừu, lợn, thỏ, chó, mèo và các loài gia súc nuôi khác.

- Gia cầm: Gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, đà điểu, bồ câu, chim cút, các loài chim làm cảnh và các loài chim khác.

- Động vật thí nghiệm: Chuột lang, chuột nhắt trắng, thỏ và các loài động vật thí nghiệm khác.

- Động vật hoang dã: Voi, hổ, báo, gấu, hươu, nai, vượn, đười ươi, khỉ, tê tê, cu li, sóc, chồn, kỳ đà, tắc kè, trăn, rắn, gà rừng, trĩ, gà lôi, công và các loài động vật hoang dã khác.

- Các loại động vật khác: Ong, tằm, các loại côn trùng khác.

3. Điều kiện nhập khẩu động vật trên cạn về Việt Nam

Việc nhập khẩu động vật từ nước ngoài về Việt Nam luôn được Nhà nước quản lý và giám sát chặt chẽ; đặc biệt là các loài động vật trên cạn. Đây là một trong số những mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, vì vậy trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký kiểm dịch động vật và khai báo kiểm dịch động vật nhập khẩu tại Cục Thú y.

Để nhập khẩu động vật sống trên cạn, doanh nghiệp cần phải đảm bảo điều kiện liên quan đến động vật sống nhập khẩu, cụ thể như sau:

- Động vật trên cạn khỏe mạnh; xuất phát từ vùng, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc không có bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và Việt Nam;

- Có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam (Trong đó: Giấy chứng nhận kiểm dịch là loại văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp với mục đích xác nhận động vật trên cạn nhập khẩu vào Việt Nam không mang mầm mống dịch bệnh hay bệnh nguy hiểm và có xuất xứ từ vùng được công nhận là an toàn). 

- Thực hiện đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch động vật trên cạn nhập khẩu tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Thành phần hồ sơ và quy trình thực hiện được chúng tôi đề cập tại Mục 4 của bài viết này).

Lưu ý: Trong trường hợp cần thiết, Cục Thú y sẽ tham gia giám sát quá trình kiểm dịch, kiểm tra, đánh giá hệ thống quản lý, giám sát dịch bệnh động vật, giám sát vệ sinh thú y tại nước xuất khẩu trước khi tiến hành kiểm dịch động vật tại Việt Nam.

4. Thành phần hồ sơ và quy trình đăng ký, khai báo kiểm dịch động vật trên cạn nhập khẩu

Bước 1: Thực hiện thủ tục đăng ký kiểm dịch động vật trên cạn

- Trước khi nhập khẩu động vật, doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch tới Cục Thú y theo một trong các hình thức: qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc gửi trực tiếp đến Cục Thú y. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch động vật trên cạn nhập khẩu bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch động vật nhập khẩu của doanh nghiệp (Mẫu 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số: 35/2018/TT-BNNPTNT);

(2) Đối với động vật thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác, phải nộp văn bản hoặc giấy phép theo quy định.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kiểm dịch động vật hợp lệ, căn cứ tình hình dịch bệnh, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, giám sát vệ sinh thú y của nước xuất khẩu, Cục Thú y gửi văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch cho doanh nghiệp, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu qua thư điện tử (trường hợp chủ hàng đăng ký kiểm dịch qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax hoặc gửi trực tiếp) hoặc gửi trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (trường hợp chủ hàng đăng ký kiểm dịch trên Cổng thông tin một cửa quốc gia).

Bước 2: Thực hiện thủ tục khai báo kiểm dịch động vật trên cạn nhập khẩu

- Sau khi Cục Thú y có văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch, trước khi hàng đến cửa khẩu nhập, doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ khai báo kiểm dịch tới cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu theo một trong các hình thức: qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc gửi trực tiếp. Hồ sơ khai báo kiểm dịch động vật trên cạn nhập khẩu bao gồm:

(1) Đơn khai báo kiểm dịch (Mẫu 3 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số: 35/2018/TT-BNNPTNT);

(2) Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu.

Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ khai báo kiểm dịch động vật hợp lệ, Cục Thú y quyết định và thông báo cho doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch về địa điểm, thời gian để tiến hành kiểm dịch. Theo đó, Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu và Cục Thú y phối hợp thực hiện kiểm dịch theo nội dung sau:

+ Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch, tình trạng sức khỏe của động vật; nếu hồ sơ kiểm dịch hợp lệ, động vật không có dấu hiệu mắc bệnh nguy hiểm thì xác nhận để làm thủ tục và chuyển động vật đến khu cách ly kiểm dịch hoặc đến địa điểm đã được kiểm tra, có đủ điều kiện để cách ly kiểm dịch;

+ Giám sát động vật tại khu cách ly kiểm dịch hoặc tại địa điểm có đủ điều kiện cách ly kiểm dịch; thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch phù hợp với từng loài động vật, từng bệnh được kiểm tra nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày bắt đầu cách ly kiểm dịch;

+ Lấy mẫu kiểm tra bệnh động vật, áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật theo quy định;

+ Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi đến;

+ Hướng dẫn chủ hàng thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.

+ Lấy mẫu xét nghiệm bệnh theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Trong thời gian thực hiện kiểm dịch, doanh nghiệp cần phối hợp chuẩn bị nơi cách ly kiểm dịch động vật nhập khẩu:

- Doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí địa điểm cách ly kiểm dịch;

- Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu, Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y có trách nhiệm kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y bảo đảm để cách ly kiểm dịch động vật.

Như vậy, trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến điều kiện nhập khẩu động vật trên cạn về Việt Nam, doanh nghiệp của bạn cần lưu ý các điều kiện về thể trạng, nơi xuất xứ của động vật được nhập khẩu, thực hiện đăng ký và khai báo kiểm dịch động vật trên cạn. Khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu, động vật trên cạn sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer