Công ty tôi kinh doanh chuỗi thực phẩm nhập khẩu, nay chúng tôi dự kiến mở rộng sang kinh doanh sản phẩm Tôm Alaska nhập khẩu tươi sống từ Canada (tên khoa học: Homarus Americanus). Vậy chúng tôi có cần phải xin giấy phép nhập khẩu hay không? Mong Luật Sao Việt tư vấn!

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Tôm Alaska nhập khẩu từ Canada (tên khoa học: Homarus Americanus) không thuộc danh mục loại thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của chính phủ. Do đó, khi nhập khẩu loại tôm này, bạn cần phải xin Giấy phép nhập khẩu tại Tổng cục Thủy sản.

Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT quy định các trường hợp cấp phép nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam như sau:

1. Cấp phép nhập khẩu thủy sản sống đối với trường hợp phải đánh giá rủi ro: Thủy sản sống lần đầu nhập khẩu để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí.

2. Cấp phép nhập khẩu thủy sản sống đối với trường hợp không phải đánh giá rủi ro:

a) Thủy sản sống nhập khẩu để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí đã được đánh giá rủi ro;

b) Thủy sản sống nhập khẩu để nghiên cứu khoa học;

c) Thủy sản sống nhập khẩu để trưng bày tại hội chợ, triển lãm.

Hiện nay giống tôm Alaska (tên khoa học: Homarus Americanus) đã được đánh giá rủi ro tại Tổng cục Thủy sản, do đó thủ tục xin cấp phép nhập khẩu bạn thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT cụ thể như sau:

Thứ nhất, chuẩn bị hồ sơ:

Do công ty bạn nhập khẩu sản phẩm Tôm Alaska tươi sống để làm thực phẩm, vậy nên thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị cấp phép theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT;

- Bản chính Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT;

- Bản chính Báo cáo kết quả nhập khẩu, nuôi giữ theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT;

- Bản sao chụp biên bản kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản theo Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT (áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu từ lần thứ hai trở đi).

Thứ hai, trình tự thủ tục:

- Gửi 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản theo hình thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc theo cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến (nếu có);

- Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Tổng cục Thủy sản xem xét tính đầy đủ của hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Tổng cục Thủy sản thông báo bằng văn bản cho tổ chức cá nhân;

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Thủy sản cấp Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống kèm theo Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống được phê duyệt theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

- Tổng cục Thủy sản trả Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc cơ chế một cửa quốc gia.

Lưu ý: Hiệu lực của Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống để làm thực phẩm có giá trị cho toàn bộ lô hàng và hiệu lực được ghi trong giấy phép theo từng giống, loài thủy sản sống nhưng không quá 01 năm kể từ ngày cấp. 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer