Tai biến y khoa là sự cố y khoa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do rủi ro xảy ra ngoài ý muốn hoặc do sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề; nhưng không phải bất cứ trường hợp nào xảy ra tai biến y khoa đều được bồi thường. Chỉ khi Hội đồng chuyên môn xác định được tai biến y khoa do có sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề thì cơ sở chữa bệnh, khám bệnh mới phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bệnh.
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.
1. Khái niệm tai biến y khoa:
Khái niệm tai biến y khoa được định nghĩa tại khoản 23 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như sau:
“23. Tai biến y khoa là sự cố y khoa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do một trong các nguyên nhân sau đây:
a) Rủi ro xảy ra ngoài ý muốn mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là chuyên môn kỹ thuật);
b) Sai sót chuyên môn kỹ thuật.”
Như vậy, có thể hiểu tai biến y khoa là sự cố y khoa gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người bệnh do rủi ro ngoài ý muốn hoặc sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp xảy ra tai biến y khoa đều có thể yêu cầu bệnh viện bồi thường.
2. Các trường hợp không được bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh:
Trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ 4 trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 bao gồm:
- Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề đã thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh và các quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh.
- Trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, thiếu người hành nghề mà không thể khắc phục được; trường hợp bệnh chưa có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh.
- Trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khách quan khác dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh.
- Trường hợp tai biến y khoa do người bệnh tự gây ra.
3. Mức bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh:
Theo quy định tại Điều 40, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh khi để xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh.
Ngoài ra, Điều 103 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2013 về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám chữa bệnh có quy định như sau:
“1. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh là loại hình bảo hiểm được sử dụng để chi trả chi phí bồi thường cho những thiệt hại do tai biến y khoa trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh xảy ra trong thời hạn bảo hiểm và chi phí khiếu kiện pháp lý liên quan tới tai biến y khoa đó, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 100 của Luật này.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả chi phí bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết.
3. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Như vậy, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký, trừ trường hợp tai biến y khoa do bệnh nhân tự gây ra.
Về cơ bản, hợp đồng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng là một loại hợp đồng dân sự nên cũng sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015. Chính vì vậy, khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng cần căn cứ vào bốn yếu tố sau để xác định nghĩa vụ bồi thường:
(1) Có hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác:
Hành vi vi phạm của cơ sở/người khám chữa bệnh là hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm nghĩa vụ được quy định trong Luật khám bệnh chữa bệnh. Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có ít nhất một trong các hành vi sau đây:
- Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc, điều trị người bệnh;
- Vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật.
(2) Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;
(3) Có lỗi; vô ý hoặc cố ý.
(4) Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra.
Trong trường hợp tai biến xảy ra do có lỗi của người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh thì hành vi vi phạm pháp luật của người hành nghề phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai biến của người bệnh.
4. Thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa.
Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện của người bệnh hoặc của người hành nghề thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định người hành nghề có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa được quy định tại Điều 50 Thông tư 32/2023/TT-BYT như sau:
(1) Trường hợp bệnh viện thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế (bao gồm cả các bệnh viện của các bộ, ngành, trừ bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an):
- Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện người bệnh, người hành nghề hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án thì bệnh viện phải thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (gọi là hội đồng chuyên môn cấp cơ sở);
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định tại điểm a Khoản này thì có văn bản đề nghị Sở Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định tại điểm b Khoản này thì có văn bản đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp. Kết luận của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là kết luận cuối cùng;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định của Bộ Y tế thì các bên khởi kiện tại tòa án.
(2) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế nhưng không phải là hình thức bệnh viện (bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là hình thức bệnh viện của các bộ, ngành, trừ cơ sở trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an):
- Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện người bệnh, người hành nghề hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án thì cơ sở có văn bản đề nghị Sở Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định nêu trên thì có văn bản đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp. Kết luận của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là kết luận cuối cùng;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định của Bộ Y tế thì các bên khởi kiện tại tòa án.
(3) Trường hợp bệnh viện, bệnh xá thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an:
- Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện người bệnh, người hành nghề hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án thì bệnh viện, bệnh xá tự thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (gọi là hội đồng chuyên môn cấp cơ sở);
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định nêu trên thì có văn bản đề nghị Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định nêu trên thì có văn bản đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp. Kết luận của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là kết luận cuối cùng;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định của Bộ Y tế thì các bên khởi kiện tại tòa án.
(4) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhưng không phải là hình thức bệnh viện, bệnh xá hoặc là hình thức bệnh xá nhưng không đủ điều kiện thành lập hội đồng chuyên môn:
- Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện người bệnh, người hành nghề hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án thì cơ sở có văn bản đề nghị Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định tại điểm a Khoản này thì có văn bản đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp. Kết luận của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là kết luận cuối cùng;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định của Bộ Y tế thì các bên khởi kiện tại tòa án.
(5) Trường hợp bệnh viện thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế:
- Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện người bệnh, người hành nghề hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án thì bệnh viện tự thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (gọi là hội đồng chuyên môn cấp cơ sở);
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định nêu trên thì có văn bản đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp. Kết luận của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là kết luận cuối cùng;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định của Bộ Y tế thì các bên khởi kiện tại tòa án.
(6) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế nhưng không phải là hình thức bệnh viện:
- Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện người bệnh, người hành nghề hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án thì cơ sở có văn bản đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp. Kết luận của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là kết luận cuối cùng;
- Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định của Bộ Y tế thì các bên khởi kiện tại tòa án.
5. Khởi kiện ra toà để giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa
Các trường hợp khởi kiện ta Toà án để giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biên y khoa không nhiều, do thủ tục rắc rối và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu không thể thoả thuận với bệnh viện về chi phí bồi thường và không đồng ý với kết luận của hội đồng chuyên môn thì người bệnh hoặc gia đình của họ có thể khởi kiện ra Toà án để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Khi đó, người bệnh cần lưu giữ các giấy tờ liên quan từ lúc bệnh nhân vào viện, cấp thuốc, khám chữa bệnh để làm bằng chứng gửi lên Toà. Thông thường, kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập sẽ là kết luận cuối cùng và là cơ sở để tòa án giải quyết tranh chấp.
Trường hợp người bệnh không may không qua khỏi, Toà sẽ căn cứ vào kết quả giám định pháp y để giải quyết.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com