Căn cứ pháp lý:

Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012

Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư, nghị định hướng dẫn các quy định của Luật luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013 hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư

Nội dung:

Bước 1: Phải có bằng cử nhân luật

Người muốn có bằng cử nhân luật thì phải trải qua quá trình học tập tại các trường đại học Luật hoặc khoa Luật tại các trường đại học khác (thường là 04 năm), sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân luật.

Bước 2: Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư

Theo quy định tại Điều 12 Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012 thì người có bằng cử nhân luật tiến hành đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư. Thời gian đào tạo là 12 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư thì sẽ được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

Bước 3: Hoàn thành thời gian tập sự hành nghề luật sư

Theo quy định tại Điều 14 Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013 hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư thì người hoàn thành khóa đào tạo nghề luật sư hoặc người được miễn đào tạo nghề luật sư lựa chọn và thỏa thuận với một tổ chức hành nghề luật sư để tập sư. Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư đủ điều kiện hướng dẫn. Sau khi nhận được giấy xác nhận về việc nhận tập sự hành nghề luật sư do tổ chức hành nghề luật sư cấp thì người muốn tập sự hành nghề luật sư đăng ký tại Đoàn luật sư nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.

Thời hạn tập sự hành nghề luật sư là 12 tháng kể từ ngày Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư ra quyết định về việc đăng ký tập sự hành nghề luật sư.

Bước 4: Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

Theo quy định tại Điều 15 Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012 thì người hoàn thành thời gian tập sự hành nghề luật sư được tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, lập danh sách người đủ điều kiện gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức và Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư tiến hành. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Người được miễn tập sự hành nghề luật sư thì không phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Bước 5: Được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư

Theo quy định tại Điều 17 Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012 thì sau khi đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, người muốn cấp chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Đối với người được miễn tập sự hành nghề luật sư gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư đến Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp quyết định cấp.

Bước 6: Gia nhập Đoàn luật sư

Theo quy định tại Điều 20 Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012 thì người có chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ gia nhập một đoàn luật sư bất kỳ để hành nghề luật sư.

Sau khi có quyết định gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho người gia nhập Đoàn luật sư.

Bước 7: Hành nghề luật sư

Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đã được gia nhập Đoàn luật sư, được cấp thẻ luật sư thì luật sư được lựa chọn 01 trong 02 hình thức hành nghề đó là: hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân.

Trong trường hợp luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thì phải đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên.

Trường hợp đặc biệt:

Đối với người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được miễn đào tạo nghề luật sư.

Đối với người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

Đối với người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật thì phải tập sự hành nghề luật sư trong thời gian 04 tháng.

Đối với người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì phải tập sự hành nghề luật sư trong thời gian 06 tháng.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer