Cơ sở pháp lý:

Bộ luật dân sự 2015

Nội dung:

Khái niệm: Hợp đồng dân sự vô hiệu là hợp đồng khi giao kết và thực hiện không đảm bảo những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, hoặc đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được vì lý do khách quan

Phân loại hợp đồng vô hiệu:

Căn cứ váo thủ tục tố tụng có hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối

- Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối: Là những Hợp đồng bị xem là đương nhiên vô hiệu do việc xác lập Hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm tới lợi ích của nhà nước hoặc lợi ích công cộng

Hơp đồng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị coi là vô hiệu tuyệt đối:

+ Hợp đồng vô hiệu do giả tạo

+ Hợp đồng có nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật

+ Hợp đồng có nội dung, mục đích trái đạo đức xã hội

Hợp đồng không đúng hình thức do pháp luật quy định và đã được Tòa án cho các bên thời hạn để thực hiện đúng quy định về hình thức này nhưng hết thời hạn đó mà các bên vẫn chưa thực hiện; hoặc trường hợp pháp luật có quy định về Hợp đồng vi phạm hình thức nhưng các bên chưa thực hiện Hợp đồng và các bên có tranh chấp thì Hợp đồng bị xem là vô hiệu.

Một Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối thì không giải quyết theo yêu cầu của các bên. Mọi trường hợp đều giải quyết theo quy định của pháp luật và không được hòa giải, không có quyền công nhận giá trị pháp lý của Hợp đồng trong quá trình thụ lý và giải quyết tranh chấp về Hợp đồng hoặc các nội dung pháp lý có liên quan.

- Hợp đồng vô hiệu tương đối: Là những Hợp đồng được xác lập, nhưng có thể bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.

Sự vô hiệu tương đối là ở chỗ: giao dịch dân sự đó “có thể vô hiệu” hay “không đương nhiên bị xem là vô hiệu” vì nó chỉ xâm hại trực tiếp tới quyền lơi hợp pháp của cá nhân của từng bên chủ thể tham gia. Do đó, Hợp đồng này nếu không có sự xem xét của Tòa án thì vẫn có hiệu lực. Trong trường hợp muốn tiêu hủy Hợp đồng này, các bên phải yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tư pháp thông thường chứ Hợp đồng không đương nhiên bị xem là vô hiệu.

Các trường hợp dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu tương đối:

Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không có năng lực hành vi tương ứng với đòi hỏi của pháp luật đối với loại giao dịch đó;

Giao dịch dân sự vô hiệu do bị đe dọa;

Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối;

Giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn;

Giao dịch dân sự vô hiệu do một người xác lập trong tình trạng người đó không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình.

Căn cứ vào nội dung hợp đồng thì chia thành hợp đồng vô hiệu toàn bộ và hợp đồng vô hiệu từng phần

- Hợp đồng vô hiệu toàn bộ: Là Hợp đồng có toàn bộ nội dung vô hiệu, hoặc tuy chỉ có một phần nội dung vô hiệu nhưng phần đó lại ảnh hưởng đến hiệu lực của toàn bộ Hợp đồng.

Khi có những căn cứ cho là toàn bộ điều khoản của Hợp đồng vô hiệu, thì Hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Căn cú làm cho Hợp đồng vô hiệu có thể xuất phát từ sự vi phạm nội dung Hợp đồng, nhưng cũng có thể là những căn cứ khác như: mục đích, năng lực giao kết Hợp đồng, Hợp đồng giả tạo,…

Lưu ý: có những Hợp đồng vô hiệu toàn bộ nhưng đối với một số điều khoản được các bên thỏa thuận ghi trong Hợp đồng có vai trò độc lập với Hợp đồng, thì khi Hợp đồng vô hiệu toàn bộ các điều khoản đó cũng có thể được công nhận có hiệu lực nếu đủ các điều kiện luật định mà không lệ thuộc vào hiệu lực của toàn bộ Hợp đồng.

- Hợp đồng vô hiệu từng phần (vô hiệu một phần): Là những Hợp đồng được xác lập mà có một phần nội dung của nó không có giá trị pháp lý nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần khác của Hợp đồng đó.

Đối với một Hợp đồng vô hiệu từng phần, ngoài phần vô hiệu không được áp dụng, các phần còn lại vẫn có giá trị thi hành, nên các bên vẫn phải tiếp tục thi hành trong phạm vi phầm Hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

Căn cứ vào điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng có thể phân Hợp đồng vô hiệu thành các trường hợp sau:

Hợp đồng vô hiệu do người tham gia là cá nhân không có năng lực hành vi dân sự;

Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm, đạo đức xã hội;

Hợp đồng vô hiệu do không có sự tự nguyện của chủ thể;

Hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức, nếu pháp luật có quy định về hình thức của Hợp đồng là điều kiện bắt buộc.

Căn cứ vào mức độ vượt quá phạm vi đại diện của người đại diện

Một trong các điều kiện quan trọng để công nhận Hợp đồng có hiệu lực là tư cách đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc ủy quyền) của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức hoặc cá nhân. Trong nhiều trường hợp, khi việc tham gia xác lập Hợp đồng thay cho người thứ ba không dựa trên các trường hợp đại diện luật định thì Hợp đồng đó có thể bị vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu do người đại diện xác lập vượt quá phạm vi đại diện

Thường thì đây là Hợp đồng được xác lập bởi người đại diện hợp pháp, nhưng do người đại diện đã xác lập Hợp đồng trên thực tế vượt quá phạm vi đại diện. Người trực tiếp tham gia Hợp đồng tuy có tư cách đại diện hợp pháp nhưng nội dung Hợp đồng do họ xác lập có một phần giá trị, mức độ, phạm vi vượt quá giới hạn được ghi trong Hợp đồng ủy quyền hoặc được quy định trong loại đại diện tương ứng.

Hợp đồng được xác lập vượt quá phạm vi đại diện thì phần vượt quá phạm vi đại diện đó bị vô hiệu, trừ trường hợp người được đại diện biết mà không phản đối.

Hợp đồng vô hiệu do người giao kết không có quyền đại diện

Hợp đồng vô hiệu do người trực tiếp giao kết không có tư cách đại diện hoặc tuy có tư cách đại diện nhưng đã giao kết, thực hiện Hợp đồng không thuộc công việc mà họ được phép đại diện

Cũng bị xem là không có tư cách đại diện nếu người đại diện đưa ra những tuyên bố ý chí trái với ý chí của người được đại diện, làm những việc không thuộc đối tượng của quan hệ đại diện.

Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu:

Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết hợp đồng:

Hợp đồng dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập hay nói cách khác pháp luật dân sự không công nhận và bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên khi hợp đồng vô hiệu ngay cả khi các bên đã thực hiện xong hợp đồng. Do đó, nếu hợp đồng mới xác lập chưa thực hiện thì các bên không thực hiện, nếu các bên đang thực hiện thì không tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, đối với hợp đồng chính và hợp đồng phụ thì:

- Trong trường hợp hợp đồng chính vô hiệu thì “sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ” (khoản 2 điều 410 BLDS). Bởi vì theo  khoản 4 điều 406 BLDS “Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực của hợp đồng phụ thuộc vào hợp đồng chính”, hiệu lực của hợp đồng phụ phụ thuộc vào hợp đồng chính nên hợp đồng chính không có hiệu lực thì hợp đồng phụ cũng không có hiệu  lực.

Hợp đồng chính vô hiệu làm“chấm dứt” hợp đồng phụ chứ không phải kéo theo việc làm vô hiệu hợp đồng phụ, khi hợp đồng phụ vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu còn khi hợp đồng phụ chấm dứt thì quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ không còn kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng, các bên không phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.

- Khi hợp đồng phụ vô hiệu thì sẽ không làm mất đi hiệu lực của hợp đồng chính “Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính” (khoản 3 điều 410 BLDS 2005). Như vậy, sự vô hiệu của hợp đồng phụ sẽ làm mất đi hiệu lực của hợp đồng chính nếu như hai bên có sự thỏa thuận rằng đây là hai phần không thể tách rời nhau.

Thứ hai, hoàn trả lại tài sản:

Khoản 2 điều 137 BLDS: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trang ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được tịch thu theo quy định của pháp luật.”. Do giao dịch không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên mong muốn đạt được khi xác lập hợp đồng, các bên khôi phục lại tình trang ban đầu, vì vậy, việc các bên phải hoàn trả lại những tài sản đã giao nhận trong hợp đồng là điều dễ hiểu.

Thứ ba, bồi thường thiệt hại:

Điều 137 BLDS 2005 chỉ ra hậu quả pháp lý của việc hợp đồng dân sự bị vô hiệu đó là:“Bên có lỗi gây ra thiệt hại thì phải bồi thường”. Điều đó cho thấy được dấu hiệu đầu tiên của việc bồi thường là việc có thiệt hại xảy ra và trách nhiệm chứng minh thiệt hại xảy ra trước tiên thuộc về bên bị thiệt hại.          

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer