Nhắc đến các nhóm quyền đối với tài sản, chúng ta thường nghe nhiều đến quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Bên cạnh đó, để dự trù các tình huống khác phát sinh trong đời sống, nhà làm luật còn quy định thêm về quyền khác, điển hình như quyền bề mặt? Vậy quyền bề mặt là gì, căn cứ nào để xác lập quyền bề mặt?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
1, Khái niệm quyền bề mặt:
Căn cứ pháp lý: Quyền bề mặt được quy định từ Điều 267 đến Điều 273 BLDS năm 2015
Định nghĩa: Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác.
Đặc điểm : + Quyền bề mặt là quyền sử dụng phần không gian trên bề mặt bất động sản và phổ biến là đất đai để xây dựng các công trình dân dụng hoặc công nghiệp… và sử dụng cả phần phía trên và phía dưới mặt đất.
+ Người có quyền sử dụng bề mặt đó không phải là chủ sở hữu của tài sản.
+ Khác với quyền hưởng dụng là được khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác tài sản hưởng dụng, chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác và được sở hữu những tài sản được tạo lập nhưng không được trái với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2, Căn cứ xác lập:
Căn cứ xác lập quyền bề mặt được quy định tại Điều 268 BLDS năm 2015:
- Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật;
- Quyền bề mặt được xác lập theo thỏa thuận, hoặc theo di chúc.
Quyền bề mặt được xác lập theo một trong ba căn cứ trên và có hiệu lực theo quy định tại Điều 269 BLDS năm 2015: Quyền bề mặt có hiệu lực từ thời điểm chủ thể có quyền sử dụng đất chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.Quyền bề mặt có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Việc ghi nhận quyền bề mặt trong Bộ luật dân sự 2015 đã có tác động tích cực đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các loại tài sản trong xã hội không bị đóng băng mà ngược lại luôn được tham gia lưu thông kinh tế, được sử dụng một cách hiệu quả và tiết kiệm. Ngoài ra, việc quy định cụ thể quyền này, sẽ giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết như xử lý tài sản trên đất trong trường hợp thu hồi đất khi hết thời hạn thuê đất; tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư…