1. Quy định bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng hiện hành.

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng 2014, việc bồi thường thiệt hại trong hoạt động hành nghề công chứng như sau:

Điều 38. Bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng

1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”.

Theo đó, việc bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng sẽ do tổ chức hành nghề công chứng chi trả cho người bị thiệt hại và công chứng viên có trách nhiệm hoàn trả khoản tiền đó cho tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm việc.

Mặc dù tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm “Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định tại Điều 37 của Luật này và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 38 của Luật này” - Theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Công chứng 2014. Tuy nhiên, nhân viên, công chứng viên gây ra thiệt hại vẫn phải trả lại khoản tiền đó cho tổ chức hành nghề công chứng.

Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.

2. Quy định mới về bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng (Theo Luật Công chứng 2024).

Khoản 2 Điều 40 Luật Công chứng 2024 quy định về bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng như sau:

"Điều 40. Bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng

1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức hành nghề công chứng kế thừa quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động thì công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải tự mình bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng.

2. Công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải hoàn trả cho tổ chức hành nghề công chứng khoản tiền mà tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng; trường hợp công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo quy định mới này, tổ chức hành nghề công chứng vẫn là đối tượng trực tiếp thực hiện bồi thường cho người yêu cầu công chứng bị thiệt hại và công chứng viên hoặc nhân viên văn phòng công chứng trực tiếp gây thiệt hại phải bồi hoàn lại cho tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, luật mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của công chứng viên hoặc nhân viên văn phòng công chứng là vô hạn đối với những công việc đã thực hiện. Ngay cả khi tổ chức hành nghề công chứng không còn (đã giải thể hoặc chấm dứt hoạt động) hoặc công chứng viên không còn là công chứng viên hoặc không còn làm trong ngạch công chứng thì vẫn phải bồi thường đối với thiệt hại mà mình đã gây ra khi còn làm việc.  

Trường hợp đã trực tiếp gây thiệt hại nhưng không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Luật Công chứng 2024 vẫn quy định trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình tại khoản 5 Điều 33, đồng thời quy định cụ thể về bảo hiểm trách nhiệm của công chứng viên tại Điều 39 Luật Công chứng 2024 như sau:

“Điều 39. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên

1. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.

2. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày mua bảo hiểm hoặc kể từ ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp.

3. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.”

Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên bao gồm thiệt hại về vật chất của người tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc của cá nhân, tổ chức khác có liên quan trực tiếp đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng mà những thiệt hại gây ra do lỗi của công chứng viên trong thời hạn bảo hiểm.

Ngoài ra, tổ chức hành nghề công chứng cũng có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để mở rộng hơn phạm vi bảo hiểm.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer