Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự 2015, Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới:

“Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Đây là chế định mới được quy định trong Bộ luật hình sự 2015. Mục đích của chế định này là để khuyến khích mọi cá nhân phát huy trí tuệ, sự sáng tạo, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới.

Để loại trừ tránh nhiệm hình sự trong trường hợp này thì đòi hỏi phải thỏa mãn các điều kiện sau:

Thứ nhất, hành vi gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới.

Ở đây, thiệt hại có thể là về tính mạng, sức khỏe của con người, thiệt hại về tài sản, môi trường… và thiệt hại đó xảy ra là do thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới.

Thứ hai, người nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.

Một trong những điều kiện không thể thiếu để loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là việc tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa. Tùy vào việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ khác nhau mà quy trình, quy phạm và các biện pháp phòng ngừa rủi ro cũng khác nhau.

Ví dụ: Khi thử nghiệm thuốc chữa bệnh ung thư, nhà nghiên cứu đã thí nghiệm, thử nghiệm thuốc nhiều lần trên động vật và thử nghiệm thuốc theo quy định pháp luật cho kết quả tốt. Để đảm bảo an toàn hơn thì thuốc đã được sử dụng trên một số người (bệnh nhân) nhất định, tuân thủ đầy đủ, đúng quy trình liên quan và cho kết quả tốt, nhưng đến khi thuốc được sử dụng phổ biến đã gây ra hậu quả chết người. Như vậy, nhà nghiên cứu đã tuân thủ đúng các quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa rủi ro nhưng thiệt hại vẫn xảy ra thì nhà nghiên cứu được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, cùng với sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì quy định này của pháp luật là kịp thời, cần thiết tạo điều kiện cho sự phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để phòng ngừa việc chủ quan, thiếu cẩn trọng, lạm dụng quy định pháp luật gây ra thiệt hại thì pháp luật đã quy định người thực hiện hành vi gây ra thiệt hại do không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer