Vai trò của người làm chứng rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự bởi người làm chứng là một trong những đối tượng sẽ góp phần giúp làm rõ sự thật của vụ án. Lời khai của người làm chứng là một trong những nguồn chứng cứ cực kỳ quan trọng giúp cơ quan điều tra xác minh được sự thật của vụ án. Nếu người làm chứng khai đúng sự thật thì đây sẽ là nguồn chứng cứ, căn cứ quan trọng giúp công an phá án, nhưng nếu người làm chứng khai thiếu sót hoặc cố tình cung cấp thông tin sai sự thật thì có thể khiến các tình tiết của vụ án thay đổi, làm cản trở quá trình điều tra của cảnh sát. Mặc dù người làm chứng giữ vai trò quan trọng trong tố tụng hình sự, tuy nhiên, những đối tượng nào không được làm chứng, người làm chứng có nghĩa vụ như thế nào và hình thức xử lý đối với những người làm chứng gian dối, khai sai sự thật như thế nào? Đây là những câu hỏi mà không phải bất cứ ai cũng biết rõ được câu trả lời.

1. Khái niệm người làm chứng

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng (Khoản 1 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Người làm chứng là một trong những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự.

2. Các trường hợp không được làm chứng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các trường hợp sau đây không được là người làm chứng bao gồm:

- Người bào chữa của người bị buộc tội;

- Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

3. Nghĩa vụ của người làm chứng

Người làm chứng có các nghĩa vụ cần thực hiện được cụ thể hóa tại khoản 4  Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

4. Hình thức xử lý đối với người làm chứng khai báo gian dối, khai sai sự thật 

Trong trường hợp người làm chứng cố ý không tới cơ quan điều tra để cung cấp thông tin, gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố,... thì người làm chứng có thể bị dẫn giảiCăn cứ các quy định nêu trên và Điều 91 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, lời khai của người làm chứng phải đảm bảo:

- Trình bày những gì mà họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.

- Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Trong trường hợp người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 382 Bộ luật hình sự 2015 Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, cụ thể:

- Người làm chứng khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Có tổ chức;

+ Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer