Tôi có một thắc mắc mong được luật sư giải thích: Tôi thấy có nhiều trường hợp phạm tội ở Việt Nam trốn được ra nước ngoài nhưng vẫn bị truy nã và bắt về; vậy quy trình thực hiện bắt giữ trong các trường hợp này như thế nào? Tại sao có những trường hợp mặc dù biết rõ ở nước nào đó (như bị cáo của một số vụ án lớn gần đây) nhưng lại không thể bắt họ về nước chịu tội? 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Khi bị can trốn hoặc không rõ đang ở đâu thì theo khoản 1 Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định truy nã. Lệnh truy nã này sẽ có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. 

Trong trường hợp có căn cứ hoặc bị nghi ngờ có dấu hiệu bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Cơ quan điều tra cùng với các cơ quan có thẩm quyền, phối kết hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã đỏ dựa trên một lệnh bắt giữ hoặc một quyết định tư pháp hợp lệ. Lệnh truy nã đỏ có phạm vi áp dụng toàn thế giới với mục đích thông báo cho các quốc gia thành viên về tình trạng truy nã của một tội phạm hoặc nghi phạm. 

Tuy nhiên cần lưu ý rằng Interpol không thể ép buộc bất kỳ quốc gia thành viên nào phải bắt giữ một cá nhân là đối tượng của lệnh truy nã đỏ. Mỗi quốc gia thành viên phải tự quyết định giá trị pháp lý đối với lệnh truy nã đỏ trong biên giới của họ. Vì vậy, việc bắt giữ, dẫn độ tội phạm phụ thuộc vào sự thiện chí của quốc gia thành viên.

Đây là lí do vì sao một số tội phạm trốn ra nước ngoài, mặc dù cơ quan điều tra xác định được quốc gia họ đang lẩn trốn nhưng không thể bắt họ về chịu tội, dù đã ban hành lệnh truy nã đỏ, do quốc gia mà họ lẩn trốn không phối hợp bắt giữ, dẫn độ.

Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó (Khoản 1 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007). 

Cũng theo điểm a khoản 2 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 quy định cho phép cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Việc dẫn độ cần phải tuân thủ các quy định đã được Thỏa thuận trong Hiệp định dẫn độ giữa 2 quốc gia, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Thỏa thuận giữa các quốc gia là thành viên Interpol. 

Quy trình ban hành Lệnh truy nã đỏ được áp dụng như sau:

Bước 1: Quốc gia thành viên đưa ra yêu cầu

Cảnh sát của quốc gia thành viên gửi yêu cầu về một lệnh truy nã đỏ thông qua việc cung cấp thông tin về vụ việc tới văn phòng hay trung tâm Interpol ở quốc gia thành viên. Tại Việt Nam, Văn phòng INTERPOL Việt Nam là đơn vị trực thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Bước 2: Tổng thư ký Interpol xem xét, kiểm tra và chuyển cho các chuyên gia luật pháp của Interpol thẩm định

Yêu cầu về lệnh truy nã đỏ sẽ được Tổng thư ký Interpol xem xét, kiểm tra và chuyển cho các chuyên gia pháp lý của Interpol thẩm định trong vòng một tuần trước khi ký duyệt xuất bản và chính thức có hiệu lực tại lãnh thổ các quốc gia thành viên của Interpol.

Bước 3: Ban hành lệnh truy nã đỏ

Sau khi Tổng thư ký Interpol ký duyệt ban hành, lệnh truy nã đỏ sẽ được thông báo tới các quốc gia thành viên trên hệ thống mạng của Interpol

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer