Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Đây là quy định mang tính nhân văn cao khi đã tạo cơ hội cho nhiều người được làm cha mẹ. Luật hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Việc mang thai hộ phải được tuân thủ chặt chẽ quy định tại các điều Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, không ít trường hợp lợi dụng việc mang thai hộ để hưởng lợi về kinh tế, trái mục đích mà nhà nước hướng tới khi cho phép mang thai hộ.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý hình sự
- Căn cứ pháp lý
- Điều 187 BLHS 2015 sd,bs 2017
- Quy định về mang thai hộ được quy định trong:
+ Nghị định 10/2015/NĐ-CP
- Cấu thành tội phạm
Mặt khách quan:
Tổ chức mang thai hộ là hành vi bao gồm tổng hợp của nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ. Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại.
Về hậu quả: Cấu thành tội phạm đối với tội tổ chức mang thai hộ là cấu thành hình thức. Do đó, hậu quả là căn cứ để xác định rõ trách nhiệm hình sự, chứ không được xem là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của người tổ chức.
Mặt chủ quan: Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Khách thể: Xâm phạm chế độ quản lý nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kỹ thuật và tính nhân đạo của việc mang thai hộ.
Chủ thể: tội phạm theo Điều 187 BLHS quy định đối với cá nhân có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục thương mại là những cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Xét trong mối tương quan giữa tên tội danh “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” với chủ thể tội phạm theo tinh thần điều luật thì đối tượng chủ thể của điều luật này không chỉ hướng tới cá nhân trực tiếp mang thai hộ mà còn cả những người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Hình phạt:
Khung 1: (khoản 1)
Trường hợp người phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này ở mặt khách quan thì người phạm tội bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm..
Khung 2: (khoản 2)
Phạm tội tại Khoản 2 của Điều 187 thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đó là các trường hợp:
- Phạm tội với hai người trở lên;
- Phạm tội hai lần trở lên
- Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
- Tái phạm nguy hiểm.
Hình phạt bổ sung
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.