Trong hầu hết các vụ án ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con trực tiếp giữa các đương sự luôn căng thẳng và khó đạt được sự thỏa thuận do tâm lý mong muốn được chăm sóc con trực tiếp và lo sợ những trở ngại khi thăm nuôi con sau khi ly hôn có thể gặp phải.

Cùng với các quy định về phân chia tài sản, nghĩa vụ khi giải quyết ly hôn, Luật HNGĐ năm 2014 đưa ra các quy định làm căn cứ để Tòa án đưa ra quyết định giao quyền nuôi con cho bố hay mẹ.

Thứ nhất, Tòa án tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các đương sự

Khi ly hôn, các bên có quyền được thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con,  nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con (nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền thăm nom…). Tuy nhiên, Sự thoả thuận của hai bên trong từng trường hợp là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Thứ hai, Tòa án quyết định giao quyền nuôi con cho một bên

Trong trường hợp không tự thỏa thuận được, Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Ngoài ra, Tòa án còn căn cứ vào độ tuổi của người con để đưa ra quyết định:

i) Nếu con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

ii) Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì trước khi quyết định người trực tiếp nuôi con, Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.

Mặc dù không trực tiếp nuôi con sau ly hôn nhưng cha hoặc mẹ vẫn có quyền nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…. theo quy định tại khoản 1 điều 84 Luật HNGĐ 2014.

Điều này là hoàn toàn phù hợp theo lẽ thường tình vì yêu thương, chăm sóc và giáo dục tốt cho con cái là quyền và nghĩa vụ làm cha mẹ, ngay cả khi cha mẹ vẫn còn trong thời kỳ hôn nhân, đã quyết định ly hôn hay sau khi ly hôn. Do đó, ngay cả khi không trực tiếp nuôi con thì quyền và nghĩa vụ làm cha mẹ vẫn được đảm bảo thực hiện.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer