Theo thông tin báo chí đưa tin, trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh giữa con gái (Hồng Loan) và em gái ruột (Hồng Nhung) của ông, cháu gái ruột Hồng Phượng (con gái bà Hồng Nhung) đã cho rằng: Nghệ sĩ Vũ Linh đã di chúc để lại cho bà tài sản bao gồm: nhà, đất tại số 5 Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận. Đồng thời, Hồng Phượng cung cấp chứng cứ là video ghi nhận lời nói của NSƯT Vũ Linh về nội dung này vào ngày 13/01/2001, được thừa phát lại lập vi bằng ngày 04/5/2023.
Tuy nhiên, đối với chứng cứ được cho là bản di chúc miệng của NSƯT Vũ Linh này, Hội đồng xét xử đã không công nhận hiệu lực pháp lý khi căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Thông qua vụ án này, đã để lại những bài học pháp lý về việc lập di chúc miệng sao cho được công nhận hiệu lực, làm cơ sở để phân chia di sản thừa kế.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
1. Điều kiện hoàn cảnh được lập di chúc miệng
Trong vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế của nghệ sĩ Vũ Linh, một trong những căn cứ để Hội đồng xét xử không công nhận hiệu lực của bản di chúc miệng mà Hồng Phượng cung cấp đó là do việc lập di chúc không phù hợp với hoàn cảnh mà pháp luật quy định đối với di chúc miệng.
Cụ thể, căn cứ Khoản 1 Điều 629 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng”. Theo đó, di chúc miệng chỉ được luật cho phép lập để thể hiện ý chí cuối cùng khi đáp ứng điều kiện người lập di chúc đang trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe dọa và người đó không thể lập được di chúc bằng văn bản. Ví dụ: trường hợp người lập di chúc hấp hối trên giường bệnh, hoặc đang lâm trong hoàn cảnh nguy hiểm cận kề cái chết mà không thể thực hiện lập di chúc bằng văn bản.
2. Điều kiện để di chúc miệng được coi là hợp pháp
Ngoài điều kiện về hoàn cảnh được lập di chúc miệng, tính hợp pháp của một bản di chúc miệng còn phải đáp ứng những điều kiện khác được quy định tại Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể:
- Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng.
- Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
- Di chúc miệng vẫn phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng.
Đặc biệt, người làm chứng cho việc lập di chúc không được là những đối tượng sau (theo Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2015):
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
3. Trường hợp di chúc miệng bị mặc nhiên hủy bỏ
Theo Khoản 2 Điều 629 Bộ luật dân sự năm 2015, di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ nếu sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt. Nội dung tập tin được cho là di chúc miệng của nghệ sĩ Vũ Linh vào ngày 13/01/2001 được Hồng Phượng cung cấp cho Hội đồng xét xử, tính đến thời điểm nghệ sĩ Vũ Linh mất (05/3/2023) đã hơn 20 năm. Do đó, theo quy định trên của Bộ luật dân sự, di chúc miệng này đã mặc nhiên bị hủy bỏ, không được coi là cơ sở ghi nhận ý chí cuối cùng của người để lại di chúc. Vì vậy, trong trường hợp di chúc miệng được lập, nếu sau 03 tháng mà người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì cần lập lại di chúc bằng văn bản và đáp ứng các điều kiện liên quan theo quy định để thể hiện lại di nguyện.
Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com