Trong thực tiễn, không ít trường hợp người sử dụng đất muốn lập di chúc để định đoạt tài sản cho người thừa kế, trong khi quyền sử dụng đất đang được dùng làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Điều này dẫn đến một số băn khoăn pháp lý: Người lập di chúc có cần xin phép hoặc thông báo cho bên nhận thế chấp không? Việc lập di chúc trong trường hợp này có hợp pháp và có hiệu lực không? Bài viết dưới đây của Luật Sao Việt sẽ phân tích các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn áp dụng để làm rõ vấn đề này.
1. Lập di chúc đối với quyền sử dụng đất đang thế chấp thì có cần phải hỏi ý kiến hay thông báo cho bên nhận thế chấp hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, theo đó bên thế chấp sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ nhưng không giao tài sản cho bên kia. Theo đó, quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản thế chấp sẽ không bị chuyển dịch sang bên nhận thế chấp. Do đó, về nguyên tắc, người đang thế chấp quyền sử dụng đất vẫn là người có quyền định đoạt đối với tài sản, trong đó bao gồm quyền lập di chúc theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015. Việc lập di chúc là một hành vi pháp lý đơn phương, thể hiện ý chí cá nhân của người có tài sản trong việc định đoạt tài sản của mình sau khi mất, điều này không đồng nghĩa với việc chuyển dịch quyền sở hữu hoặc làm mất hiệu lực của việc thế chấp.
Căn cứ Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp có nghĩa vụ không được thực hiện các hành vi như bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp nếu không được sự đồng ý của bên nhận thế chấp (trừ một số trường hợp đặc biệt liên quan đến hàng hóa luân chuyển). Tuy nhiên, cần phân biệt rõ ràng giữa hành vi định đoạt tài sản theo nghĩa “làm thay đổi quyền sở hữu trong thời gian còn sống” và việc lập di chúc, vốn là hành vi thể hiện ý chí cho một thời điểm phát sinh hiệu lực là sau khi người lập di chúc chết. Do đó, việc lập di chúc không đồng nghĩa với việc chuyển nhượng, bán, tặng cho hay thay thế tài sản trong thời kỳ thế chấp, và vì vậy sẽ không vi phạm nghĩa vụ theo quy định này.
Ngoài ra, hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, không có quy định nào yêu cầu người lập di chúc phải thông báo hoặc xin ý kiến của bên nhận thế chấp khi lập di chúc liên quan đến tài sản đang được thế chấp. Ngược lại, pháp luật còn bảo vệ quyền giữ bí mật nội dung di chúc của người lập di chúc (Điều 641 Bộ luật Dân sự 2015), tôn trọng quyền tự do định đoạt tài sản.
2. Lưu ý khi thực hiện công chứng di chúc
Mặc dù không bắt buộc phải xin phép hoặc thông báo cho bên nhận thế chấp, nhưng trong thực tiễn, nếu người lập di chúc yêu cầu công chứng di chúc thì sẽ phát sinh một số vấn đề về thủ tục hành chính về chứng minh quyền sử dụng hợp pháp, trong đó có quyền sử dụng đất. Cụ thể, theo khoản 8 Điều 40 Luật Công chứng 2014 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, trường hợp nếu tài sản bảo đảm được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác hoặc để thực hiện giao dịch dân sự khác mà bên nhận bảo đảm đang giữ bản chính Giấy chứng nhận thì người này giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo thỏa thuận để chủ thể trong giao dịch liên quan thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đó, người nhận phải hoàn trả lại bản chính cho bên nhận bảo đảm; nếu không hoàn trả hoặc gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong quá trình lập di chúc, đây không phải thủ tục bắt buộc, mà chỉ là yêu cầu chứng minh quyền sử dụng tài sản để đảm bảo tính xác thực khi công chứng.
Như vậy, người có quyền sử dụng đất có quyền lập di chúc đối với tài sản đang thế chấp mà không cần phải thông báo hay xin ý kiến của bên nhận thế chấp. Việc lập di chúc không làm ảnh hưởng đến quyền được bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp, đồng thời không thuộc các hành vi vi phạm nghĩa vụ theo quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp công chứng di chúc, cần lưu ý các thủ tục thực tiễn liên quan đến việc chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp khi bản chính Giấy chứng nhận đang do bên nhận thế chấp giữ.
Nếu có bất kỳ những vướng mắc pháp lý nào liên quan, liên hệ ngay với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được giải đáp, tư vấn và gỡ vướng kịp thời.
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com