Khi xảy ra tranh chấp về phân chia di sản thừa kế, trước khi di sản được phân chia cho những người thừa kế thì người quản lý di sản sẽ là người quản lý, gìn giữ và bảo vệ. Trong trường hợp này, việc xác định công sức của người quản lý di sản và trả thù lao, chi phí cho họ như thế nào là một vấn đề pháp lý quan trọng cần giải quyết khi giải quyết tranh chấp thừa kế. Hiện nay, nội dung quy định liên quan đến người quản lý di sản được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 hiện hành, tuy nhiên, việc áp dụng những quy định này để xác định vấn đề nêu trên còn chưa cụ thể.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
1. Về việc xác định mức thù lao cho người quản lý di sản thừa kế
Tại Điều 618 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của người quản lý di sản. Trong đó, người quản lý di sản có quyền được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý. Theo đó, Bộ luật dân sự đã không quy định cụ thể một công thức hay giới hạn nhất định để xác định tỷ lệ hưởng thù lao của người quản lý di sản mà chỉ phụ thuộc theo thỏa thuận với những người thừa kế hay “một khoản thù lao hợp lý” nếu không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là như thế nào là “hợp lý”. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có những văn bản hướng dẫn hay giải đáp nghiệp vụ nào liên quan đến nội dung này. Điều này cho thấy việc tính thù lao cho người quản lý di sản không có chung một tỷ lệ hay nguyên tắc thống nhất nào. Bởi vậy, trong thực tiễn xét xử, việc xác định mức thù lao cho người quản lý di sản thừa kế là bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể và hoàn toàn phụ thuộc vào Hội đồng xét xử.
2. Về việc xác định chi phí bảo quản đối với di sản thừa kế
Nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế là bảo quản di sản cho đến khi di sản được chia cho những người thừa kế, do đó trong khoảng thời gian quản lý này, người quản lý di sản cần phải bỏ ra những khoản phí để ngăn chặn nguy cơ di sản bị hư hỏng, mất mát…Cho nên, bên cạnh quyền được hưởng thù lao thì người quản lý di sản còn được thanh toán những chi phí bảo quản di sản (Điều 618 Bộ luật dân sự năm 2015). Chi phí này là những chi phí giúp duy trì, bảo quản, làm cho di sản được nguyên vẹn hoặc gia tăng thêm giá trị, ví dụ như: chi phí sửa chữa, chi phí bảo dưỡng, chi phí khôi phục…Bên cạnh đó, chi phí bảo quản di sản này cũng là một trong những khoản chi phí liên quan đến thừa kế sẽ được ưu tiên thanh toán ở vị trí thứ 3, chỉ sau “Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng” và “Tiền cấp dưỡng còn thiếu” (theo quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Điều này xuất phát từ vai trò quan trọng của chi phí này, bởi nếu không có những khoản chi phí bảo quản di sản này thì sẽ không còn di sản để chia cho những người thừa kế, thậm chí còn có thể làm gia tăng giá trị hoặc phát sinh lợi tức từ di sản. Từ quy định này cho thấy, người quản lý di sản có quyền được yêu cầu những người thừa kế di sản thanh toán những chi phí phát sinh cho việc duy trì, bảo quản khối di sản.
3. Những điểm cần lưu ý đối với vấn đề thù lao đối với người quản lý di sản và thanh toán chi phí bảo quản di sản
Xuất phát từ việc còn thiếu về cơ sở pháp lý cụ thể, những hướng dẫn rõ ràng để xác định thù lao và thanh toán chi phí bảo quản di sản đối với người quản lý di sản thừa kế như hiện nay thì người lập di chúc hay người quản lý di sản và những người thừa kế cần lưu ý một số những nội dung sau để tránh phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có.
Một là, các bên cần thỏa thuận trước mức thù lao (dựa trên yêu cầu về thời gian, trách nhiệm hay mức độ phức tạp của di sản cần quản lý), nếu không thỏa thuận được thì có thể từ chối việc quản lý di sản;
Hai là, tuy có quyền yêu cầu thanh toán chi phí bảo quản di sản, nhưng về nguyên tắc người quản lý di sản cần phải chứng minh được những khoản chi phí đó là chính đáng và cần thiết để gìn giữ di sản. Đồng thời, những chi phí này là minh bạch, được chứng minh thông qua những hóa đơn thanh toán, hợp đồng dịch vụ hay những chứng từ hợp lệ khác. Đây sẽ là những căn cứ có giá trị pháp lý cao để người quản lý di sản có thể làm cơ sở để yêu cầu những người thừa kế phải thanh toán. Do đó, việc lập biên bản và lưu giữ tài liệu chứng minh là vô cùng quan trọng.
Nếu bạn đọc còn những vướng mắc nào liên quan hoặc có bất kỳ những vấn đề pháp lý nào không thể tự giải quyết, vui lòng liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được tư vấn cụ thể và cung cấp dịch vụ pháp lý hỗ trợ.
Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com