Chị Nga (Vĩnh Phúc) hỏi: “Ngày 22/4/2020, Tôi ký hợp đồng lao động 3 tháng với một công ty, hết thời hạn 3 tháng tôi nghỉ việc nhưng cơ quan BHXH yêu cầu truy thu BHXH trong 3 tháng. Tôi muốn hỏi như vậy có đúng không? Bên cạnh đó, tôi muốn hỏi thêm nếu tôi không mua BHXH tự nguyện vì đã mua bảo hiểm nhân thọ có được không? Tôi cảm ơn.”

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

* Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội:

Căn cứ theo quy định tại Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:  “1.2. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1/1/2018)”.

Như vậy, do hợp đồng lao động của bạn ký với công ty có thời hạn 3 tháng (bắt đầu từ ngày 22/4/2020) nên theo quy định của pháp luật hiện hành thì bạn phải tham gia BHXH bắt buộc. Nếu trong thời gian 3 tháng bạn làm việc ở công ty mà chưa đóng BHXH bắt buộc thì việc cơ quan BHXH truy thu BHXH là hoàn toàn đúng pháp luật.

* BHXH tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ là hai loại hình bảo hiểm khác nhau:

Việc bạn đã mua bảo hiểm nhân thọ nên không muốn tham gia BHXH là tuỳ vào điều kiện và nhu cầu của bạn. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng đây là 2 loại hình bảo hiểm khác nhau về mục đích, điều kiện, mức phí tham gia và quyền lợi đã được nêu ra rất cụ thể tại Công văn 3758/BHXH-TT:

- Về mục đích: BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, còn bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích là sinh lời. Khoản lời của bảo hiểm nhân thọ được lấy từ chính tiền của người tham gia.

- Về điều kiện, mức phí tham gia: Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với mức đóng xác định trước là 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Trong khi đó bảo hiểm nhân thọ đặt ra điều kiện khá khắt khe về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro.

- Về quyền lợi:

+ Tiền đóng vào quỹ BHXH đều được điều chỉnh tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng từng năm (CPI) theo quy định của Chính phủ được công bố tại năm mà người tham gia hưởng chế độ. Còn bảo hiểm nhân thọ thì tính theo lãi suất thị trường.

+ Người đang tham gia BHXH tự nguyện khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian đã đóng BHXH tự nguyện đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH tự nguyện. Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ có quy định doanh nghiệp không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp: chết do tự tử trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng.

+ Người tham gia BHXH tự nguyện, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh... Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất.

Còn đối với bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được hưởng theo hợp đồng đã ký kết.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề thắc mắc cần giải đáp, bạn vui lòng liên hệ luật sư Công ty Luật TNHH Sao Việt để được hỗ trợ cụ thể qua: 

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer