Tình trạng ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm đã xuất hiện từ rất lâu khiến nhiều người dân bức xúc. Tuy gần đây Nhà nước đã đưa ra các biện pháp can thiệp, nhưng đến thời điểm này, tình trạng đó vẫn còn tồn tại. Vậy người vay tiền trong trường hợp bị ép mua bảo hiểm cần phải làm gì?

1. Ngân hàng không được phép ép khách vay mua bảo hiểm 

Đây là quy định đã được nêu rõ trong Điều 10 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, cụ thể điểm c khoản 4 điều này nghiêm cấm hành vi: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm”. 

Đồng thời, trong khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2016/NĐ-CP cũng có quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng còn có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và không mang tính bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN.

Vì vậy, dưới góc độ pháp lý, hành vi cưỡng ép, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi vi phạm pháp luật và ngân hàng không được ép buộc khách hàng mua bảo hiểm mới cho giải ngân khoản vay.

2. Khách hàng cần làm gì khi bị ép mua bảo hiểm?

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 6535/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD. Trong đó yêu cầu các ngân hàng không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Trường hợp bị “ép” mua bảo hiểm, khách hàng cần thu thập đầy đủ bằng chứng và gửi tới Ngân hàng Nhà nước hoặc có thể gọi trực tiếp tới đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo số hotline sau:

- Số cố định: (024) 3936.1017

- Số di động: 0942.966.854

Hoặc, gửi phản ánh thông qua hòm thư điện tử, địa chỉ: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn

3. Ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm bị xử lý thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

- Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

- Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định;

- Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;

- Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định;

- Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Đồng thời, đình chỉ hoạt động từ 02 - 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

Như vậy, ngân hàng có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 02 - 03 tháng.

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer