Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, các Sở Giao dịch Chứng khoán đã ra hàng loạt các quyết định giới hạn giao dịch của một số cổ phiếu, chủ yếu do vi phạm về công bố thông tin. Nhiều cái tên đình đám một thời nay như HBC của CTCP Tập đoàn Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings, AGM của CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang, TVB của CTCP Chứng khoán Trí Việt … chỉ còn được giao dịch trong khoảng thời gian hạn chế. Vậy chứng khoán bị hạn chế giao dịch là gì và khi nào thì chứng khoán bị hạn chế giao dịch? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Luật Sao Việt nhé!

1. Thế nào là chứng khoán bị hạn chế giao dịch?

Khái niệm “Chứng khoán bị hạn chế giao dịch” được nhắc đến nhiều lần trong các Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán. Trong đó, có thể hiểu một cách khái quát rằng chứng khoán bị hạn chế giao dịch là khi các mã chứng khoán/ mã cổ phiếu bị hạn chế về thời gian giao dịch do tổ chức đăng ký/ tổ chức niêm yết vi phạm các quy định bắt buộc về thời gian nộp báo cáo tài chính hoặc vi phạm các quy định về nghĩa vụ cần thực hiện theo luật định. Khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, chứng khoán sẽ chỉ được giao dịch trong khoảng thời gian nhất định theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán. 

Danh sách các mã chứng khoán bị hạn chế giao dịch (thời điểm ban hành ngày 20/5/2022).

2. Khi nào chứng khoán bị hạn chế giao dịch?

a) Đối với chứng khoán niêm yết:

Các trường hợp chứng khoán niêm yết bị hạn chế giao dịch được nêu ra tại khoản 1 Điều 39 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định 17/QĐ-HĐTV năm 2022. Trong đó quy định, chứng khoán bị hạn chế giao dịch về thời gian giao dịch khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

“a) Tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

b) Tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi SGDCK đưa chứng khoán vào diện kiểm soát theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 38 Quy chế này.”

Như vậy, trong 2 trường hợp sau đây, chứng khoán niêm yết sẽ bị hạn chế giao dịch: Khi chậm nộp báo cáo tài chính quá 45 ngày so với thời gian quy định và Khi tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán đã bị Sở GDCK đưa vào diện kiểm soát.

b) Đối với chứng khoán chưa niêm yết

Theo Điều 34 Quy chế đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (Ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16 tháng 11 năm 2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam) thì cổ phiếu đăng ký giao dịch bị hạn chế về thời gian giao dịch khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

- Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; hoặc tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; hoặc tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét;

- Tổ chức đăng ký giao dịch chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định;

- Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất; hoặc là tổ chức đăng ký giao dịch mà tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất;

- SGDCKHN xác định tổ chức đăng ký giao dịch nhận được Quyết định mở thủ tục phá sản của Toà án theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp;

- Tổ chức đăng ký giao dịch ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên; tổ chức đăng ký giao dịch bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính; tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm b, m khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP;

- Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc vì vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;

- Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán;

- Tổ chức đăng ký giao dịch không khắc phục được tình trạng bị cảnh báo do chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính và tiếp tục không họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tiếp theo trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Luật Doanh nghiệp;

- SGDCKHN xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

3. Khi nào chứng khoán được đưa ra khỏi diện bị hạn chế?

Về cơ bản, các mã chứng khoán sẽ được đưa ra khỏi diện bị hạn chế sau khi khắc phục được những thiếu sót, những sai phạm dẫn đến việc bị hạn chế giao dịch. Cụ thể như sau:

a) Đối với chứng khoán niêm yết:

Theo quy định tại khoản 4,5,6 Điều 39 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định 17/QĐ-HĐTV năm 2022 thì:

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày SGDCK đưa chứng khoán vào diện hạn chế giao dịch, tổ chức niêm yết phải gửi SGDCK và công bố thông tin kèm theo biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch. Sở Giao dịch Chứng Khoán sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện hạn chế giao dịch, gỡ bỏ ký hiệu hạn chế giao dịch đối với các trường hợp quy định tại Mục 1.1 hoặc đưa chứng khoán vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát sau khi xem xét giải trình, kết quả khắc phục của tổ chức niêm yết.

Tổ chức niêm yết được xác định là đã khắc phục khi hoàn tất khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 06 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị hạn chế giao dịch hoặc kể từ ngày nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch được khắc phục hoàn toàn.

b) Đối với chứng khoán chưa niêm yết:

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị hạn chế giao dịch theo quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức đăng ký giao dịch phải có văn bản gửi SGDCKHN giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục. SGDCKHN công bố thông tin về ý kiến giải trình và phương án khắc phục của tổ chức đăng ký giao dịch.

- SGDCKHN đưa cổ phiếu ra khỏi diện hạn chế giao dịch sau khi tổ chức đăng ký giao dịch đã báo cáo SGDCKHN và gửi kèm các tài liệu xác minh tổ chức này đã khắc phục theo các hướng dẫn sau:

+ Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; hoặc tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; hoặc tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét; sẽ được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch khi vốn chủ sở hữu không âm trong báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét;

+ Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định sẽ được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch sau khi tổ chức đăng ký giao dịch nộp cho SGDCKHN báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét;

+ Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc vì tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất; hoặc là tổ chức đăng ký giao dịch mà tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất; được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch trên cơ sở ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần tại báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán;

+ Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do SGDCKHN xác định tổ chức đăng ký giao dịch nhận được Quyết định mở thủ tục phá sản của Toà án theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp hoặc do ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên; tổ chức đăng ký giao dịch bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính; tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc, được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch trên cơ sở báo cáo của tổ chức đăng ký giao dịch, kèm theo các tài liệu chứng minh đã khắc phục được hoàn toàn nguyên nhân dẫn tới bị hạn chế giao dịch nêu trên;

+ Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch vì tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch sau khi tổ chức đăng ký giao dịch nộp cho SGDCKHN báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán đúng thời hạn quy định;

+ Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc vì không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch sau khi SGDCKHN xác định là tổ chức đăng ký giao dịch đã khắc phục các nguyên nhân dẫn tới bị hạn chế giao dịch;

+ Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do Tổ chức đăng ký giao dịch không khắc phục được tình trạng bị cảnh báo vì chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính và tiếp tục không họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tiếp theo trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính, trường hợp này cổ phiếu sẽ được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch theo đề nghị của tổ chức đăng ký giao dịch kèm theo tài liệu chứng minh tổ chức đăng ký giao dịch đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên;

+ Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do SGDCKHN xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư sẽ được SGDCKHN đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch theo đề nghị của tổ chức đăng ký giao dịch kèm theo các tài liệu chứng minh tổ chức đăng ký giao dịch đã hoàn toàn khắc phục nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.

4. Cách nhận biết chứng khoán bị hạn chế giao dịch
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện các vi phạm nêu trên, Sở Giao dịch Chứng Khoán sẽ ban hành Quyết định đưa chứng khoán vào diện hạn chế giao dịch hoặc chuyển từ trạng thái từ diện kiểm soát/ cảnh báo sang diện hạn chế giao dịch. 

Khi vào diện hạn chế giao dịch, Sở Giao dịch Chứng Khoán sẽ hiển thị ký hiệu hạn chế giao dịch và công bố thông tin về việc hạn chế giao dịch đối với các mã chứng khoán vi phạm. Các nhà đầu tư có thể theo dõi và cập nhật thông tin để đưa ra nhận định đầu tư chính xác nhất cho mình.

5. Những lưu ý khi đầu tư vào các mã chứng khoán bị hạn chế giao dịch

Đối với những mã chứng khoán này, rủi ro dành cho nhà đầu tư khá lớn vì khả năng thanh khoản kém, rủi ro “mất trắng” khi các công ty không khắc phục được sai phạm của mình. Vì vậy, khi có ý định đầu tư những mã này hoặc đang sở hữu những mã chứng khoán này, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải, tình tình tài chính của doanh nghiệp,... để đưa ra quyết định tiếp tục giữ hay bán tháo thu hồi vốn. Đối với số ít doanh nghiệp bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do những sai phạm nhất thời và có khả năng khắc phục sau khi nộp BCTC thì mã CK có thể hồi phục, tuy nhiên với phần lớn các doanh nghiệp còn lại, tình hình kinh doanh của công ty cũng đang thực sự gặp vấn đề và việc chậm BCTC chỉ là bề nổi. Để giải quyết những vấn đề nội tại doanh nghiệp không phải là chuyện sớm chiều vì vậy kỳ vọng vào việc chứng khoán của doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng là khó xảy ra.

Trường hợp vẫn có nhu cầu đầu tư vào những mã chứng khoán đang bị hạn chế giao dịch, NĐT cần lưu ý về thời gian giao dịch được phép trên thị trường chứng khoán đối với mỗi sàn giao dịch. Ví dụ: Chứng khoán niêm yết thuộc diện bị hạn chế giao dịch tại HOSE chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận. Khi muốn thực hiện giao dịch, NĐT cần nắm được các quy định này để thực hiện các lệnh mua - bán được thuận lợi.

Với một số ứng dụng giao dịch trực tuyến sẽ có thêm tính năng ứng trước tiền bán, đăng ký bán cổ phiếu lẻ và các khuyến nghị đối với những mã cổ phiếu đang có biến động, nhà đầu tư nên tham khảo và có sự cân nhắc kỹ dựa trên tình hình thị trường và khả năng tài chính của bản thân mình.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -           
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer