Thông thường, để được hưởng chế độ thai sản, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Vậy 6 tháng BHXH nêu trên có bắt buộc phải đóng liên tục mới được hưởng chế độ thai sản hay không?
Trả lời:
Căn cứ pháp lý:
+ Điểm b khoản 1, khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
+ Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
+ Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019
Theo đó, đối với lao động nữ sinh con, để được hưởng chế độ thai sản chỉ cần đáp ứng điều kiện: phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng điều kiện nêu trên
Như vậy, không bắt buộc NLĐ phải đóng đủ 6 tháng BHXH liên tục mới được hưởng chế độ thai sản mà chỉ cần có tổng thời gian đóng BHXH đủ 06 tháng trở lên (tính trong vòng 12 tháng trước khi sinh con) thì NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Lưu ý cách tính thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng: tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội: tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Ví dụ 13: Chị A sinh con ngày 18/01/2017 và tháng 01/2017 có đóng bảo hiểm xã hội, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017, nếu trong thời gian này chị A đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Ví dụ 14: Tháng 8/2017, chị B chấm dứt hợp đồng lao động và sinh con ngày 14/12/2017, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, nếu trong thời gian này chị B đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị B được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Bài viết liên quan:
Hướng dẫn lao động nữ nghỉ việc trước khi sinh nhận tiền thai sản mới nhất
Khi sinh con, lao động nữ được nhận những khoản tiền thai sản nào?
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com