Công ty tôi có một cổ đông X sở hữu 60% vốn điều lệ. Cổ đông X vừa bị tạm giam để điều tra về tội mua bán trái phép chất ma túy. Nếu vậy, cổ đông X có bị cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp kê biên, xử lý cổ phần trong công ty để đảm bảo việc chấp hành hình phạt là phạt tiền (nếu có) không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Hình ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Việc áp dụng biện pháp kê biên, xử lý cổ phần của cổ đông X phải căn cứ vào Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, do cổ đông X đang trong quá trình bị điều tra và chưa có các thông tin đầy đủ về tình trạng tài sản cũng như chưa có Bản án, Quyết định cuối cùng của Tòa án nên chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Có hai trường hợp có thể dẫn tới việc cổ phần của cổ đông X bị kê biên:

Trường hợp 1: Tài sản mà cổ đông X sử dụng để góp vốn, mua cổ phần của công ty là tài sản do phạm tội mà có thì số cổ phần (hay phần vốn góp) của cổ đông X sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước (Căn cứ Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Trường hợp 2: Tài sản là số cổ phần tại công ty có được mà không liên quan tới hành vi phạm tội, nhưng X bị tuyên hình phạt bổ sung là phạt tiền thì số cổ phần này có thể bị kê biên, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật thi hành án dân sự như sau:

“Điều 92. Kê biên vốn góp

1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án.

Kê biên vốn góp là biện pháp cưỡng chế thi hành án được áp dụng khi có một trong hai tình huống sau:

Thứ nhất, Hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành thì bị cưỡng chế (Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật thi hành án dân sự). Giả sử Tòa án ra bản án, quyết định mà có hình phạt bổ sung là phạt tiền và cổ đông X có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì cơ quan có thẩm quyền sẽ buộc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, trong đó có biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

Thứ hai, Người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án (Căn cứ khoản 2 Điều 45 Luật thi hành án dân sự). Biện pháp cưỡng chế trong tình huống này được áp dụng là biện pháp khẩn cấp tạm thời khi thi hành quyết định về buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hóa khác (Căn cứ điểm b, điểm đ khoản 2 Điều 130 Luật thi hành án dân sự).

Như vậy, căn cứ các nội dung trình bày trên thì cổ đông X có khả năng bị kê biên, xử lý cổ phần đang sở hữu trong Công ty của bạn. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này hay bất kỳ biện pháp đảm bảo, cưỡng chế thi hành án nào khác đều phải căn cứ vào Bản án, quyết định; Quyết định thi hành án hoặc Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. Vì vậy, để biết chính xác việc cổ đông X có bị cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp kê biên hay không và cổ phần của X trong Công ty có thuộc tài sản bị kê biên hay không thì phải dựa trên tình hình thực tế và các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thủ tục áp dụng biện pháp đảm bảo, cưỡng chế thi hành án, đặc biệt đối với cổ phần, phần vốn góp trong công ty khá phực tạp. Hơn nữa, cổ đông X chiếm tỷ lệ cao cổ phần của công ty nên việc thi hành án của cổ đông X (nếu có) liên quan tới công ty thì sẽ có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và uy tín của công ty. Vì vậy, bạn nên làm việc với Luật sư để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho công ty và cho cổ đông X.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer