Vi phạm giao thông đường bộ là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên không phải ai cũng biết căn cứ ra mức phạt cụ thể đối với từng lỗi, từng trường hợp vi phạm và vì sao CSGT thường lấy mức trung bình để xử lý vi phạm. Để giải đáp cho câu hỏi trên, Luật Sao Việt gửi tới bạn đọc bài viết dưới đây:

Ảnh minh họa: Internet

Về căn cứ ra mức phạt cụ thể:

Thứ nhất, về mức phạt tiền:

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. (Khoản 4, Điều 23, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính 2020)

Thứ hai, về hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…:

Theo Khoản 2, Điều 81, Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc thời hạn đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là mức trung bình của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ hoạt động là mức tối thiểu của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ hoạt động là mức tối đa của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động.

Ví dụ: Anh A vi phạm lỗi bật đèn pha ô tô trong khu đông dân cư và bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng  + tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn (theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ -CP). Nếu anh A phối hợp với CSGT, không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào, thì số tiền phạt cụ thể = (800.000 + 1.000.000)/2 = 900.000 đồng  + bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 03 tháng (nếu gây tai nạn).

Như vậy, đối với các lỗi vi phạm của người tham gia giao thông, cảnh sát giao thông thường lấy mốc trung bình của khung tiền phạt / khung thời gian tước bằng lái để xử phạt. Mức tiền phạt có thể tăng hoặc giảm nhưng không vượt quá khung tiền phạt, phụ thuộc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người vi phạm. Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hành chính được quy định tại Điều 9,10 Luật xử lý vi phạm hành chính và được hướng dẫn bởi Nghị định 111/2013/NĐ-CP gồm:

+ Tình tiết tăng nặng:

a) Vi phạm có tổ chức;
b) Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm;
c) Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm có tính chất côn đồ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;
đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm;
e) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm;
g) Vi phạm đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.

+ Tình tiết giảm nhẹ:

a) Người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
b) Người vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm;
c) Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
d) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
đ) Người vi phạm là phụ nữ mang thai, người nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
e) Vi phạm vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
g) Vi phạm do trình độ lạc hậu.

-------------------------------------------------------------------

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer