Mẹ tôi là nhân viên kế toán trong công ty may mặc. Đến cuối năm nay là mẹ tôi đủ tuổi về hưu, tuy nhiên tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của bà từ trước tới lúc nghỉ hưu mới đóng được 16 năm nên chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Vì vậy mẹ tôi muốn hỏi xem có cách nào để được hưởng lương hưu luôn không? 

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Về điều kiện hưởng lương hưu: Đối với người lao động làm việc trong môi trường lao động bình thường và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, để được hưởng lương hưu trong năm 2024 cần đáp ứng 2 điều kiện theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) như sau:

Điều kiện 1: Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Điều kiện 2: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định: Theo lộ trình tăng độ tuổi nghỉ hưu, thì năm 2024, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam từ đủ 60 tuổi 9 tháng và lao động nữ từ đủ 56 tuổi 4 tháng

Như vậy nếu đối chiếu theo quy định nêu trên thì khi mẹ bạn về hưu sẽ không được hưởng lương lưu do chưa đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người lao động trong trường hợp này được hưởng quyền lợi về lương hưu, pháp luật cho phép người lao động được đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu để được hưởng chế độ hưu trí. Điều này được quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014; Điều 6, Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện:

+ Đối tượng áp dụng: Người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

+ Phương thức đóng: Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Riêng đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức như Đóng hằng tháng; Đóng 03 tháng một lần; Đóng 06 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu

Về mức đóng: Tính đến thời điểm về hưu, mẹ bạn đóng được 16 năm BHXH bắt buộc, nên cần đóng một lần cho 4 năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. Khi đó Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Công thức tính mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

- T2: Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu (đồng).

- Mi: Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

- r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).

- t: Số tháng còn thiếu, nhận một trong các giá trị từ 1 đến 120.

- i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 1 đến t.

Về thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu (thời gian còn thiếu dưới 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu (tính từ ngày 01 tháng liền kề)

Ví dụ: Tháng 8/2016, bà G đủ 55 tuổi và có 17 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Bà G có nguyện vọng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Ngay trong tháng 8/2016 bà G đóng đủ số tiền cho những năm thiếu cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Như vậy, thời Điểm hưởng lương hưu của bà G được tính từ ngày 01/9/2016.

Ngoài ra, nếu không muốn đóng một lần cho những năm còn thiếu thì mẹ bạn có thể làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần để nhận khoản tiền chăm sóc sức khỏe lúc tuổi già. 

 

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer