Kể từ ngày 01/04/2023, bệnh Covid 19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (theo Thông tư 02/2023/TT-BYT). Tuy nhiên không phải bất cứ trường hợp nào người lao động mắc covid 19 cũng đương nhiên được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, Covid 19 chỉ được xác định là bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng 2 điều kiện:

+ Bệnh phát sinh trong quá trình lao động

+ Do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-Cov-2 có trong môi trường lao động.

Cách xác định bệnh COVID-19 nghề nghiệp:

Để xác định người lao động mắc COVID 19 được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, Thông tư 02/2023/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn xác định qua các yếu tố gồm:

Thứ nhất, xác định yếu tố gây bệnh:

Các yếu tố gây bệnh COVID-19 nghề nghiệp gồm:

a) Có tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.

b) Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau:

- Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2 được quy định tại Phụ lục 36 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại mục VI Mẫu 04 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP

- Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.

Thứ hai, xác định nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2:

Người lao động mắc Covid 19 được xem là bệnh nghề nghiệp nếu thực hiện một trong các công việc sau đây:

a) Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.

b) Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2.

c) Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gồm:

- Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà;

- Người vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19;

- Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19;

- Người giám sát, điều tra, xác minh dịch COVID-19;

- Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng;

- Chiến sỹ, sĩ quan thuộc lực lượng công an;

- Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Thứ ba, các yếu tố khác:

+ Thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp): 01 (một) lần.

+ Thời gian bảo đảm (khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với nguồn lây đến thời điểm phát bệnh): 28 (hai mươi tám) ngày.

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer